Góp phần xây dựng văn hóa đọc cho người trẻ

Chọn hình thức sân khấu hóa tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - “Mắt biếc” trong lần ra mắt dự án cộng đồng “Sử dụng nghệ thuật biểu diễn xây dựng văn hóa đọc dành cho người trẻ”, điều mà những người sáng lập doanh nghiệp xã hội Nhà của thời thơ ấu (quận 3, TP Hồ Chí Minh) muốn lan tỏa là mang đến cho người xem cảm xúc đẹp nhất, gần gũi nhất với sách vở, văn chương.
 

Một cảnh trong chương trình sân khấu hóa cuốn sách "Mắt biếc".
Một cảnh trong chương trình sân khấu hóa cuốn sách "Mắt biếc".

Tại sân khấu “Những bông hoa nhỏ xíu” ngày hôm ấy, rất nhiều bạn trẻ ngồi theo dõi phần ca kịch của các diễn viên trẻ nghiệp dư đến từ Câu lạc bộ “Chuyện kể từ trang sách”. Khi những giai điệu quen thuộc trong bộ phim “Mắt biếc” vang lên, cả căn phòng như chìm vào trong những cảm xúc miên man của nhân vật. Dưới ánh đèn vàng, trong tiếng nhạc trầm, người xem cùng cười, cùng khóc với từng phân cảnh.
 
 Bên cạnh việc xây dựng sống động hình ảnh các nhân vật chính là Ngạn si tình nhưng nhút nhát, Hà Lan ngây thơ với cuộc đời đầy trắc trở cùng các tình tiết quen thuộc của bản gốc thì anh Nguyễn Anh Luân - đạo diễn chương trình sân khấu hóa cộng đồng này còn bổ sung thêm một số chi tiết, nhân vật để tạo nét mới cho phần biểu diễn. Không quá dài về thời lượng nhưng chương trình vẫn gom đủ cảm xúc, có được những đoạn cao trào để khi ánh đèn sáng lên, nhạc kết bắt đầu dạo, người xem vẫn tiếc cho Ngạn và thương cho Hà Lan, điều mà cuốn sách “Mắt biếc” giữ trọn vẹn trong từng câu chữ suốt bao năm qua.
 
 Là chương trình cộng đồng không bán vé với sự biểu diễn của những diễn viên “cây nhà lá vườn”, thế nhưng, “Câu chuyện Mắt biếc” đã tạo được dấu ấn trong lòng người xem, nhất là giới trẻ. Không so sánh vở kịch này với phim hay sách gốc rồi đong đếm xem chỗ nào hay dở, người xem đến với “Câu chuyện Mắt biếc” trong một tâm thế hoàn toàn khác. Họ muốn có thêm góc nhìn mới và được sống lại những cảm xúc với các nhân vật quen thuộc một thời. Với những ai chưa đọc “Mắt biếc”, đây sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ, đủ để họ thốt lên: “Cuốn sách này thú vị quá! Mình phải tìm đọc thử”.
 
 Cái hay của chương trình này là toàn bộ diễn viên đều nghiệp dư, họ chưa học qua trường lớp bài bản ngày nào, nhưng vẫn mạnh dạn đến đây bằng tình yêu nghệ thuật và mong muốn chung tay xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Lần đầu thử sức trong lĩnh vực diễn xuất, Diệu Hương (vai Hà Lan) dành khá nhiều thời gian để tập luyện. Hương nói, ngay cả khi đã bước lên sân khấu vẫn thấy hồi hộp, sợ mình diễn không hay làm người xem chán. Nhưng “Hà Lan” phiên bản sân khấu hóa đã hoàn thành tốt vai diễn của mình, “lấy” được nước mắt của người xem, khiến họ nhớ mãi đôi mắt biết nói của cô. “Lúc nhận vai diễn này tôi thấy hơi lo vì là tay mơ, tôi sợ mình khó tròn vai. Nhưng rồi nhờ tập luyện kỹ, tôi hoàn thành khá tốt. Tôi vui vì mọi người thích vở diễn, thích các nhân vật và cách chúng tôi truyền cảm hứng đến họ. Chúng tôi mong khi yêu các nhân vật và tình tiết trong truyện, nhiều người sẽ tìm sách đọc và dần dần hình thành thói quen tốt này”, Diệu Hương vui vẻ nói.
 
 Đảm nhận vai Ngạn, Lê Công Duy Trực, sinh viên Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người thích thú vì cách diễn tự nhiên cùng nụ cười rất hiền. Ngạn và Hà Lan trong phiên bản sân khấu lần này gần gũi không kém gì trong trang sách, nhưng vẫn có chất riêng. Khi nhận vai diễn, Trực tìm hiểu rất kỹ các tình huống trong sách, tham khảo thêm về bộ phim “Mắt biếc” nổi tiếng để học hỏi cách chuyển tải cảm xúc chân thật nhất. Trực nói, càng đọc sách, em càng khám phá ra những điều hay để rồi tự dặn mình phải giữ gìn thói quen tốt này.
 
 Là người trải qua thời thơ ấu không có nhiều trải nghiệm với văn hóa đọc, khi lớn lên, đạo diễn Nguyễn Anh Luân thấy mình thiệt thòi. Vì vậy, trong quá trình tự mày mò, anh làm bạn với sách rồi trở nên yêu thích thói quen này: “Khi nhìn quanh tôi thấy vẫn còn nhiều bạn trẻ ít cơ hội đọc sách và không thích đọc. Tôi luôn tự hỏi phải làm thế nào để mọi người thích rồi dần dần chủ động tiếp cận sách. Phải có công cụ làm cho họ thích sách. Theo tôi, nghệ thuật biểu diễn sẽ làm được điều này. Tôi mạo muội dựng vở kịch lấy cảm hứng từ tác phẩm nổi tiếng, thêm các ca khúc quen thuộc chỉ vì muốn người xem thấu cảm và yêu thích các nhân vật bước ra từ trang sách”.
 
 CHỊ Đồng Lê Quỳnh Hương, người sáng lập doanh nghiệp xã hội Nhà của thời thơ ấu cho biết: “Mắt biếc” là chương trình ứng dụng nghệ thuật đầu tiên mà đơn vị cộng đồng này muốn gửi tặng giới trẻ TP Hồ Chí Minh. Thời điểm hiện tại, Câu lạc bộ “Chuyện kể từ trang sách” đang ráo riết tuyển thêm thành viên, lên ý tưởng cho việc sân khấu hóa những cuốn sách tiếp theo. Đã có một nhà xuất bản ngỏ ý muốn hợp tác để lan tỏa giá trị của những cuốn sách mới đến cộng đồng. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ lựa chọn đa dạng các thể loại sách phù hợp và tiến hành xây dựng tác phẩm sao cho mộc mạc, gần gũi nhất. Không cần quá cao siêu, cầu kỳ, điều chúng tôi muốn đạt được đơn giản chỉ là làm sao ngày càng có nhiều bạn trẻ thích sách, tìm về với văn hóa đọc. Chúng tôi muốn các bạn cảm nhận sách từ một góc nhìn khác để thấy giá trị của từng câu chữ. Dự kiến, mỗi tháng chúng tôi sẽ tổ chức một chương trình sân khấu hóa về một cuốn sách và liên tục kết nối những người mê văn hóa đọc. Nghệ thuật và âm nhạc sẽ là hai chất liệu chính mà chúng tôi chọn để truyền cảm hứng đọc sách cho bạn trẻ trong cộng đồng”, chị Hương chia sẻ thêm.