Góp phần xây dựng thành phố thông minh


Thời gian qua, nhờ áp dụng có hiệu quả những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, ngành điện TP Hồ Chí Minh đã không ngừng nâng cao công tác vận hành, quản lý hệ thống điện, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân. Thực tế cho thấy, ngành điện đang góp phần tích cực xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh...

Các kỹ sư theo dõi vận hành hệ thống điện của thành phố tại Trung tâm điều độ hệ thống.
Các kỹ sư theo dõi vận hành hệ thống điện của thành phố tại Trung tâm điều độ hệ thống.

Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025”, ngành điện thành phố đang đẩy nhanh tiến độ tự động hóa lưới điện, hoàn thiện mô hình lưới điện thông minh. Được triển khai từ năm 2016, lưới điện thông minh của thành phố nhằm xây dựng một hệ thống lưới điện tiên tiến, quản lý nhu cầu điện năng theo thời gian thực tế, chất lượng điện tin cậy, ổn định và liên tục. Hệ thống này được đồng bộ trên cả hai lĩnh vực: Quản lý vận hành lưới điện và cung ứng dịch vụ khách hàng.

Theo đó, đến năm 2020, hệ thống lưới điện của thành phố sẽ đạt 100% lưới điện phân phối 110 kV đạt mức độ thông minh được giám sát và điều khiển từ xa, vận hành không người trực; 100% lưới điện phân phối 22 kV đạt mức độ thông minh được giám sát và điều khiển từ xa (trong đó, 50% lưới điện phân phối 22 kV đạt mức độ thông minh ở mức tự động hóa); 100% lưới điện 0,4 kV đạt mức độ thông minh được giám sát và điều khiển từ xa. Hiện nay, toàn thành phố có 16 đội thi công trực tiếp trên đường dây mang điện trung thế, một đội thi công đường dây 110 kV đầu tiên tại Việt Nam cũng góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ người dân trong vấn đề sử dụng điện.

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) Phạm Quốc Bảo, sau khi hoàn tất việc xây dựng Trung tâm điều độ hệ thống điện (năm 2016), công nghệ này cho phép trung tâm điều khiển và theo dõi tất cả các sự cố mất điện; cảnh báo tình trạng đầy tải, quá tải, lệch điện áp và nhanh chóng đưa ra giải pháp xử lý như tự động điều khiển từ xa các thiết bị đóng cắt để nhanh chóng tái lập hay cách ly thiết bị ra khỏi hệ thống, giảm thời gian và nhân lực thay vì phải thực hiện công tác tại vị trí thiết bị như trước đây. Riêng khu vực tập trung các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các cơ quan Đảng, chính quyền thành phố, đơn vị đã triển khai 30% tuyến dây có chức năng tự động phát hiện, cô lập sự cố và tái lập điện.

Mới đây, vào lúc 10 giờ 48 phút ngày 30-12-2019, từ Trung tâm điều độ hệ thống điện của thành phố đặt tại quận 1 đã phát hiện người dân tại khu vực phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) chặt cây vô tình để cây đè lên đường dây gây ra sự cố về điện khiến 2.700 hộ dân ở đây có nguy cơ mất điện kéo dài trong nhiều giờ. Sau khi nhận được báo động từ hệ thống, các kỹ sư đã thao tác xử lý theo quy trình, chỉ sau sáu phút, 2.400 hộ dân đã có điện trở lại. Riêng 300 hộ còn lại tại khu vực xảy ra sự cố cũng được các công nhân xử lý và đóng điện trở lại sau khoảng 40 phút. Việc áp dụng công nghệ đã giúp người dân giảm số lần bị mất điện trong năm 2019 là 0,8 lần và số phút mất điện trong năm là 59 phút.

Hiện tại, EVNHCMC đã triển khai mô hình trạm biến áp 110 kV vận hành tự động, không người trực cho nên khi có sự cố về thiên tai vẫn bảo đảm được công tác vận hành ổn định. Khi có bão lũ hoặc các hiện tượng thời tiết cực đoan, toàn thành phố chỉ cần bốn nhân viên trực điều hành toàn bộ hệ thống lưới điện tại 24 quận, huyện thay vì phải huy động hàng chục người túc trực ngày đêm như trước. Công nghệ đã giúp ngành điện thành phố tối đa hóa năng suất lao động từ những hoạt động nhỏ nhất. EVNHCMC cũng đã triển khai ứng dụng các công nghệ giao dịch trực tuyến trong công tác dịch vụ khách hàng. Ngành điện thành phố đã cung cấp 100% các dịch vụ trực tuyến cấp độ bốn với 19 loại hình giao dịch với khách hàng thông qua bảy kênh giao dịch trực tuyến. Trong công tác thanh toán, EVNHCMC hợp tác với 22 ngân hàng và chín đối tác khác trong việc thực hiện thanh toán tiền điện; thanh toán không sử dụng tiền mặt; thanh toán trực tuyến tại hơn 5.712 điểm thu ngoài hệ thống điện lực…

Để xây dựng hạ tầng cung cấp điện tiên tiến với chất lượng và dịch vụ công nghệ cao, đáp ứng điều kiện để TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh, ngoài những giải pháp về mặt kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, những năm qua, ngành điện thành phố cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giai đoạn 2015 - 2019, đơn vị đã có 104 kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN thuộc nhiều lĩnh vực như: Lưới điện thông minh, công nghệ thông tin, quản lý dự án, quản trị nguồn nhân lực, quản trị truyền thông, thị trường điện,… đáp ứng yêu cầu phát triển ngang tầm các công ty điện lực tiên tiến trong khu vực vào năm 2020…