Góp phần cải thiện cuộc sống cho người nghèo

Bằng nhiều mô hình và cách làm hiệu quả, Tổ chức tài chính vi mô TNHH một thành viên Cho người lao động nghèo tự tạo việc làm TP Hồ Chí Minh (CEP) đã hỗ trợ tín dụng một cách thiết thực để người nghèo, công nhân lao động làm ăn, sản xuất vươn lên cải thiện cuộc sống, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Nhân viên CEP chuyển vốn vay sản xuất cho một khách hàng ở huyện Củ Chi.
Nhân viên CEP chuyển vốn vay sản xuất cho một khách hàng ở huyện Củ Chi.

Ngụ tại đường Phạm Thế Hiển (khu phố 1, phường 4, quận 8), vợ chồng chị Thủy có cuộc sống quá chật vật vì công việc làm ăn buôn bán bấp bênh, lại có năm đứa con, trong đó bốn đứa đang ở tuổi ăn học. Nỗi lo cuộc sống hằng ngày chồng chất, phải trả tiền thuê nhà, đóng các khoản học phí cho con khiến chị Thủy nhắm mắt làm liều, tìm đến các nhóm cho vay nặng lãi để vay "nóng". Chị Thủy tâm sự: "Ban đầu tôi giấu chồng vay vài chục triệu đồng để lo cho tụi nhỏ ăn học cũng như trang trải chi phí trong nhà. Nhưng đến hạn trả không xoay nổi vì tiền góp nợ quá cao, thế là đi vay chỗ mới để trả nợ chỗ cũ. Ai ngờ lãi mẹ đẻ lãi con cho nên số tiền nợ cứ thế tăng dần. Quá lo lắng, tôi đành tìm đến phường trình bày hoàn cảnh rồi được CEP quận 8 xem xét giải quyết cho vay". Từ năm 2015 đến 2018, mỗi năm chị Thủy được chi nhánh CEP quận 8 giải quyết phát vay mười triệu đồng để đóng một phần khoản học phí cho các con, đồng thời tích cóp sắm chiếc xe xúc chở cát làm phương tiện kiếm sống cho chồng. Dần dà, thu nhập cũng đủ để vợ chồng chị thu xếp trả nợ khoản vay "nóng", trút bớt gánh nặng. Từ đầu năm 2019 đến nay, chị Thủy đề xuất và được CEP cho tăng khoản vay lên 20 triệu đồng/năm để mua máy vi tính cho con đang học đại học, đồng thời làm vốn bán quán ăn để trang trải thêm. Bên cạnh đó, con gái chị Thủy, hiện làm công nhân tại Công ty Nissey đóng tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho biết: Thu nhập của cháu tại công ty ổn định với khoảng bảy triệu đồng/tháng cho nên cháu trích một phần thu nhập cùng với tiền của bố mẹ kiếm được hằng ngày vừa đủ trả lãi và gốc cho quỹ CEP. "Nhờ quỹ CEP hỗ trợ nguồn vốn vay kịp thời, gia đình tôi đã vượt qua khó khăn, thoát nghèo, không phải lo lắng khi chịu lãi vay nóng bên ngoài. Hơn nữa, chúng tôi cũng dần có được một nguồn tích lũy cho tương lai", chị Thủy phấn khởi nói.

Không chỉ giúp giải quyết cho vay vốn, thực hiện các chương trình tín dụng hỗ trợ người nghèo, công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống, CEP còn mở rộng phạm vi phục vụ đến công nhân, lao động nghèo tại một số tỉnh Ðông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Gia đình chị Nguyễn Thị Phương Trang, ngụ 17/9D, khu phố 2 (phường Bửu Long, TP Biên Hòa, Ðồng Nai) đã thoát nghèo, làm ăn khấm khá từ những đồng vốn tiếp sức hỗ trợ của CEP. Chị Trang cho biết, vợ chồng chị không có nghề nghiệp ổn định, mà lại ở chung với ba mẹ, nuôi hai con nhỏ cho nên mạnh dạn làm đơn vay vốn của CEP với số tiền ban đầu là mười triệu đồng. Do ở gần khu vực đông công nhân, người lao động, chị Trang dùng số tiền này mua máy giặt mở tiệm giặt ủi. Nhờ chí thú làm ăn, từ năm 2014 đến nay, mỗi ngày, cửa hàng của chị Trang giặt ủi 1,2 tấn quần áo, tạo việc làm thường xuyên cho hơn mười công nhân với thu nhập khá ổn định. Hơn một năm qua, chị còn mạnh dạn nâng số tiền vay lên 30 triệu đồng, tận dụng gần 10 căn phòng cho thuê làm phòng ủi đồ và chứa hàng sau khi ra thành phẩm để mở rộng quy mô của dịch vụ với đối tượng khách hàng là gia đình, công ty, nhà hàng. Chị Trang chia sẻ: "Từ thu nhập bốn triệu đồng/tháng thời điểm năm 2014, hiện mỗi tháng, gia đình tôi kiếm được gần 20 triệu đồng. Quỹ CEP thật sự đã giúp chúng tôi vượt lên khó khăn và làm ăn khấm khá. Sắp tới, hy vọng sẽ mở rộng hơn mô hình giặt ủi này trên khắp địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận".

Theo CEP thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2007, theo sự chỉ đạo định hướng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, CEP bắt đầu mở rộng phạm vi phục vụ đến công nhân, người lao động nghèo tại một số tỉnh Ðông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long với mạng lưới 34 chi nhánh tại chín tỉnh, thành phố gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An, Tiền Giang, Ðồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long và Tây Ninh; phục vụ gần 329 nghìn khách hàng là công nhân, người lao động nghèo vay vốn.

Phó Tổng giám đốc CEP Nguyễn Tấn Ðạt cho biết: Tại TP Hồ Chí Minh, CEP đã thực hiện nhiều chương trình cho vay vốn, hỗ trợ về tín dụng một cách thiết thực, qua đó góp phần cải thiện đời sống của công nhân và người lao động nghèo, giúp họ có cơ hội học tập, yên tâm lao động sản xuất. Các sản phẩm, dịch vụ CEP cung cấp cho công nhân, lao động nghèo rất đa dạng như sản phẩm tín dụng nhỏ tự tạo việc làm, tăng thu nhập; sản phẩm tín dụng sửa chữa nhà; sản phẩm tín dụng học nghề; sản phẩm cho vay khẩn cấp... Không chỉ thế, CEP còn giúp đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, tạo điều kiện tốt nhất để người lao động khó khăn có ý chí vươn lên, được tiếp cận nguồn vốn của quỹ một cách trực tiếp.