Gỡ vướng trong liên kết đào tạo nghề

Thời gian qua, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở thành phố đã chú trọng đổi mới chương trình đào tạo để sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động. Về phía đối tác là các doanh nghiệp (DN) cũng đã tìm đến các trường nghề “đặt hàng” và chung tay vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Tuy vậy, thực tế việc liên kết đào tạo nghề vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bất cập cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Sinh viên khoa Cơ khí, Trường cao đẳng Lý Tự Trọng trong giờ thực tập.
Sinh viên khoa Cơ khí, Trường cao đẳng Lý Tự Trọng trong giờ thực tập.

Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB-XH) TP Hồ Chí Minh Ðặng Minh Sự cho biết, hiện, một số văn bản hướng dẫn thực hiện liên kết giữa nhà trường với DN còn rất nhiều ràng buộc khiến hai phía đều rất khó giải quyết. Chẳng hạn, Thông tư số 29/2017/TT-BLÐTBXH ngày 15-12-2017 của Bộ LÐ-TB-XH quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, trong điều 2 có nêu: “Thông tư này không áp dụng với đối tượng liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài” nhưng lại không nêu rõ “yếu tố nước ngoài” cụ thể là về con người, công nghệ, tổ chức hay DN cho nên các trường rất khó thực hiện. Trong khi đó, thực tế nhiều trường nghề hiện đang có mối liên kết rất tốt với các DN có con người, cách thức tổ chức, quản lý,… từ bên ngoài vào. Như thế thì có vi phạm quy định theo thông tư hướng dẫn của Bộ LÐ-TB-XH không?

Hiện, hầu hết các trường nghề đều thiết kế chương trình đào tạo theo tỷ lệ 70% thực hành và 30% lý thuyết. Khi thực hành, nhiều trường kết nối để đưa học viên đến DN để tăng cơ hội cọ xát thực tế. Thế nhưng, theo điểm d, điểm e, khoản 3, điều 12 Nghị định số 79/2015/NÐ-CP ngày 14-5-2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thì tổ chức vi phạm quy định về liên thông, liên kết đào tạo giáo dục nghề nghiệp bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Liên kết đào tạo mà không bảo đảm điều kiện về đội ngũ giáo viên, giảng viên; liên kết đào tạo với tổ chức, cá nhân không có tư cách pháp lý để tổ chức hoạt động GDNN. Ngoài ra, hành vi vi phạm nêu trên còn có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động liên kết đào tạo GDNN thời hạn từ một đến ba tháng.

Thực tế, nhiều DN đang có đội ngũ cán bộ, kỹ sư có tay nghề cao, nhiều năm kinh nghiệm, hoàn toàn có đủ kiến thức để giảng dạy, hướng dẫn cho sinh viên các trường nghề những kiến thức, xu hướng và công nghệ mới nhất mà nhà trường không thể cập nhật kịp. Thế nhưng, quy định về chứng chỉ, bằng cấp nghiệp vụ sư phạm đã “ngáng chân” mối liên kết hữu ích giữa nhà trường và DN. Phụ trách tuyển dụng của Công ty TNHH MTV Dịch vụ viễn thông Phương Nam Võ Thị Như Thủy cho biết: “Trong thời gian liên kết với các trường nghề, nhiều kỹ sư của chúng tôi sẵn sàng đến các trường để giảng dạy, cập nhật kiến thức cho sinh viên, nhưng khi yêu cầu về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì họ chỉ biết lắc đầu vì công việc chuyên môn của họ không liên quan đến chứng chỉ đó. Trong khi chúng tôi cũng không thể “ép” họ đi học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được”.

Kỹ năng và thái độ làm việc của nhiều học viên sau khi ra trường, đi làm việc cũng là một vấn đề cần chú trọng. Nhiều người hòa nhập rất chậm với DN và đáng ngại hơn cả là ý thức chấp hành kỷ luật lao động tại DN. Ðại diện một DN ở quận Gò Vấp cho biết, họ đã từng phải đền cho khách hàng cả tỷ đồng vì có công nhân bỏ việc giữa chừng khiến dây chuyền nhà máy bị tê liệt. Ðể khắc phục những hạn chế này, các trường nghề cần sớm rèn các kỹ năng cho học viên từ khi các em mới vào trường. Một vấn đề khác mà nhà trường lẫn DN cũng rất quan tâm là kinh phí để thực hiện liên kết đào tạo. Nhiều DN tỏ ra băn khoăn: Họ sẵn sàng bỏ ra kinh phí, đầu tư máy móc để cùng hỗ trợ nhà trường trong đào tạo sinh viên, nhưng khi sinh viên đã lành nghề lại đi làm ở DN khác thì sẽ giải quyết như thế nào?...

Giáo dục nghề nghiệp có vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước. TP Hồ Chí Minh xem việc liên kết giữa nhà trường và DN để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các nghề trọng yếu của thành phố là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng GDNN. Ðể tháo gỡ những bất cập, vướng mắc hiện nay, ngoài việc kiến nghị Chính phủ, Bộ LÐ-TB-XH sớm điều chỉnh một số quy định trong các nghị định, thông tư liên quan, tự thân các trường nghề, đơn vị liên quan cần nỗ lực giải quyết những tồn tại trong quá trình đào tạo, liên kết và tìm mô hình thích hợp nhất cho mối liên kết này.

Tiến sĩ Lưu Ðức Tiến, Phó Chủ tịch Hội GDNN thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thế giới hiện có nhiều mô hình hay về liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN như: Mô hình 2+2 của Na Uy (sinh viên có hai năm học tại trường và hai năm học thực tế tại nhà máy); hệ thống đào tạo “kép” trong hệ thống đào tạo nghề của Ðức; hệ thống dạy nghề 2+1 của Hàn Quốc;… Với các nguồn lực hiện nay, chúng ta hoàn toàn tìm được một mô hình phù hợp để các trường nghề và DN tìm được tiếng nói chung, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Quan trọng hơn là góp phần đào tạo được lực lượng công nhân có tay nghề cao phục vụ cho quá trình phát triển của thành phố và đất nước.