Gỡ vướng cho tách thửa đất

Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần 14 nghìn héc-ta đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới, chủ yếu tập trung trong 310 đồ án quy hoạch được lập, thẩm định và phê duyệt từ năm 2013 đang không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì vướng Quyết định số 60 (QĐ 60) (do UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018). Dù thành phố đang nỗ lực tháo gỡ nhưng cho đến hiện tại, các hồ sơ xin tách thửa tắc vẫn chưa thể được giải quyết.

Quyết định số 60 về tách thửa đang làm khó người dân và doanh nghiệp. Trong ảnh: Một dự án tách thửa theo Quyết định số 60 tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.
Quyết định số 60 về tách thửa đang làm khó người dân và doanh nghiệp. Trong ảnh: Một dự án tách thửa theo Quyết định số 60 tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

Năm 2019, ông Nguyễn Văn Tỏ (ngụ tại đường 24, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) đi xin phép xây dựng căn nhà ba tầng và một lửng nhưng chỉ được UBND quận Thủ Đức cấp phép xây dựng tạm hai tầng rưỡi với yêu cầu ông phải tự nguyện tháo dỡ vì đất của ông nằm trong quy hoạch đất dân cư xây dựng mới. Ông Tỏ bức xúc nói, lâu nay chỉ nghe đến vướng quy hoạch công viên cây xanh hay quy hoạch đường giao thông chứ chưa nghe vướng quy hoạch khu dân cư mới. Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Kha (ngụ phường Trường Thạnh, quận 9) cũng không được UBND quận 9 đồng ý cho tách mảnh đất 300 m2 cũng vì đất của ông dính quy hoạch đất dân cư xây dựng mới. Vì không tách thửa được cho nên ông không thể thực hiện mong muốn chia đất cho con, chuyển nhượng một phần để trang trải cuộc sống trong đại dịch Covid-19. Theo ông, những bất cập trong QĐ 60 đang làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. 

Trường hợp ông Tỏ, ông Kha nằm trong số hàng nghìn người dân nằm trong phần diện tích 14 nghìn héc-ta dính quy hoạch đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. 14 nghìn héc-ta quy hoạch này chủ yếu tập trung trong 310 đồ án quy hoạch được lập, thẩm định và phê duyệt từ năm 2013, tập trung chủ yếu tại sáu quận là quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và ba huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn. Ngay sau khi QĐ 60 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực, số lượng hồ sơ được giải quyết tách thửa tại các quận, huyện rất hạn chế do một số quy định trong đó đã làm khó người dân. Cụ thể, Luật Đất đai chia đất ở thành hai loại là đất ở đô thị và đất ở nông thôn thì QĐ 60 chia đất ở thành nhiều loại, gắn với quy hoạch để cấm công dân thực hiện quyền tách thửa của mình như đất ở thuộc quy hoạch dân cư hiện hữu, hiện hữu chỉnh trang, đất xây dựng mới thấp tầng, cao tầng… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng xây dựng sai phép, trái phép nở rộ trong thời gian qua, chính quyền cũng tốn rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí không ít cán bộ đã bị kỷ luật vì tình trạng này.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết: Tồn tại lớn nhất tại QĐ 60 là cụm từ “thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở)” không phù hợp quy định về phân loại đất theo Luật Đất đai và cũng không phù hợp quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Do đó, cần bỏ hai cụm từ này. Đồng thời, UBND thành phố cần quy định rõ “các trường hợp không được tách thửa”, “các trường hợp được tách thửa và điều kiện tách thửa”, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất. Tỷ lệ mật độ xây dựng cũng cần phải được xem xét cấp phép tùy theo đề xuất nhu cầu thực tế.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã kết luận về việc thực hiện QĐ 60. Theo đó, về vướng mắc liên quan khu vực quy hoạch có chức năng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới, yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố khẩn trương hướng dẫn UBND các quận, huyện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Đối với những khu vực quy hoạch thực hiện không khả thi thì phải đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xóa quy hoạch, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đối với những khu vực còn tính khả thi, đủ điều kiện thuận lợi để chỉnh trang đô thị nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt thì đề xuất lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, cụ thể hóa quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000...