Giữ sức cuốn hút cho cải lương

Trong hai ngày 23 và 24-11 vừa qua, chuỗi hoạt động triển lãm và sự kiện về cải lương đã diễn ra ở trung tâm thành phố. Có lẽ, đây là lần đầu tiên những khán giả trẻ, khách du lịch nước ngoài tại không gian Đường Sách thành phố được thưởng thức vẻ đẹp của cải lương dưới nhiều góc độ, qua đó góp phần đưa môn nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với công chúng hôm nay.
Các nghệ sĩ trao đổi tại buổi giao lưu.
Các nghệ sĩ trao đổi tại buổi giao lưu.

Cơn mưa đến bất chợt và kéo dài ngay trước giờ khai mạc chương trình Câu chuyện Cải lương Thật và Đẹp (nằm trong dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh tại Việt Nam) vẫn không ngăn được dòng khán giả đến xem những trích đoạn cải lương nổi tiếng lần đầu được diễn ra tại Đường Sách thành phố. Đạo diễn Linh Trung, người chủ trì chương trình khai mạc cho biết, qua các trích đoạn, những người thực hiện muốn mang đến cho khán giả cái nhìn khá toàn diện, nhiều màu sắc về nghệ thuật cải lương. Các trích đoạn Sông dài (Hà Triều - Hoa Phượng), Tiếng hạc trong trăng (Yên Ba - Loan Thảo), Nhụy Kiều tướng quân (Hoàng Anh Chi - Nguyễn Miễu), Tình mẫu tử (Viễn Châu), Hạng Võ biệt Ngu Cơ (Viễn Châu), Chuyện cổ Bát Tràng (Hà Triều)… cho thấy cải lương là môn nghệ thuật mở, có thể tiếp nhận nhiều loại hình nghệ thuật, văn hóa của các nước để tạo nên một vẻ đẹp cho riêng mình. Những tiếng đàn réo rắt vang lên trong đêm mưa gió cùng lời ca ngọt ngào đã níu chân khán giả đi suốt tám trích đoạn với những câu chuyện đẹp về tình người thông qua nghệ thuật cải lương mới. Khán giả Nguyễn Hoài Anh, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình mang đến cho bạn nhiều ấn tượng đẹp. Trên một sân khấu, Hoài Anh có thể xem được cải lương tuồng cổ, cải lương mang đề tài xã hội Việt Nam hay phỏng theo những câu chuyện nước ngoài, qua đó bạn đã cảm nhận được những nét đặc sắc của môn nghệ thuật truyền thống của vùng Nam Bộ.

Cùng với biểu diễn các trích đoạn, Câu chuyện Cải lương Thật và Đẹp giới thiệu đến khán giả những câu chuyện đời, chuyện nghề của các nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật cải lương thời gian qua. Những câu chuyện của họ đã cho khán giả hôm nay hình dung phần nào không khí sôi động một thời hoàng kim của sân khấu cải lương, cũng như sự lao động hết mình của mỗi người nghệ sĩ để giữ gìn sự hấp dẫn cho cải lương. Là diễn viên kịch nói, nhưng NSƯT Thành Lộc khởi điểm là diễn viên cải lương. Anh chia sẻ, một nghệ sĩ cải lương phải nhớ hết các làn điệu ngũ cung cũng như âm nhạc phương Tây. “Thầy đờn thuộc hết làn điệu bằng ngón đòn của mình, riêng người diễn viên phải thuộc bằng ký ức, cho nên chỉ cần thầy đờn dạo vài nốt hay vài câu nhạc là người diễn viên nhận ra ngay và biết mình phải ca bài bản gì”- NSƯT Thành Lộc cho biết. Với nghệ sĩ Bo Bo Hoàng, bà cho rằng, diễn viên cải lương thì không nên phân biệt vai lớn, vai bé. Trong suốt cuộc đời mấy chục năm theo cải lương của mình, bà chẳng từ chối vai nào hết, từ con nít, đào thương, lẳng, độc tới đóng cả vai nam. Sau này, bà còn nhận luôn vai “bà chằn”, cà chớn, mẹ ghẻ, ai chê vai cứ việc giao vai đó cho bà. Với bà, diễm phúc nhất là được sống trong thời hoàng kim của cải lương những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Lương thì ít nhưng khi đi lưu diễn thì được nhiều người tôn trọng, ngó khán giả say mê, sắp hàng ngoài đình, mua vé chợ đen để vào xem hát mà thương lắm.

Những câu chuyện về đời về nghề cứ đưa khán giả chìm vào dòng cảm xúc bất tận. Bên cạnh niềm tự hào về một thời vàng son của cải lương, nhiều nghệ sĩ lo lắng làm sao để cải lương ngày càng phát triển, hấp dẫn trong đời sống hôm nay. Cải lương xưa hay vì mỗi nghệ sĩ là một phong cách, nét độc đáo riêng không lẫn với ai. Nhưng hôm nay, điều ấy không còn nhiều nữa. NSƯT Thành Lộc lo lắng khi đào, kép hát nhạt nhòa, từa tựa nhau, không có nét riêng; những kịch bản hay gắn với hơi thở đời sống càng thêm hiếm, và không còn nhiều soạn giả có thể soạn ra được những tác phẩm khuôn vàng thước ngọc như xưa. Không có tuồng hay, sẽ không có vai hay. Các nghệ sĩ chỉ lặp lại những vai cũ, không có vai mới để bộc lộ cá tính của mình, trong khi nhiều diễn viên trẻ chỉ “sao chép” cách diễn của ngôi sao trước. Chính vì thế, để cải lương lấy lại “phong độ” trong lòng người mộ điệu là điều trăn trở và trách nhiệm của thế hệ hôm nay.