Giảm nghèo bền vững theo chuẩn của thành phố

TP Hồ Chí Minh hiện không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Còn theo chuẩn của thành phố thì hộ nghèo hiện chỉ chiếm tỷ lệ 0,19% và hộ cận nghèo là 1,15% so với số dân thành phố. Thành phố đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo.

Hội Phụ nữ và Hội Chữ thập đỏ quận 11 (TP Hồ Chí Minh) tặng phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Hội Phụ nữ và Hội Chữ thập đỏ quận 11 (TP Hồ Chí Minh) tặng phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Từ cuối năm 2016, TP Hồ Chí Minh đã không còn hộ nghèo có thu nhập theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Chuẩn nghèo của thành phố giai đoạn này là hộ có thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là dưới 10,8 triệu đồng/năm); hộ cận nghèo là dưới 28 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là 12 triệu đồng/năm).

Ðầu năm 2019, thành phố nâng chuẩn nghèo lên mức dưới 28 triệu đồng/hộ/năm; hộ cận nghèo dưới 36 triệu đồng/hộ/năm. Ðến nay, theo chuẩn của thành phố thì còn 3.767 hộ nghèo và 22.882 hộ cận nghèo. Sau 26 năm thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo (từ năm 1992, nay là Chương trình giảm nghèo bền vững), TP Hồ Chí Minh đã tám lần điều chỉnh mức chuẩn nghèo và hiện chuẩn hộ nghèo của thành phố cao gấp ba lần so với chuẩn quốc gia. Toàn thành phố hiện đã có 173 phường thuộc 16 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, 15 phường thuộc quận 5 và 23 phường thuộc năm quận khác đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo theo chuẩn cận nghèo quốc gia.

Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Cùng với đánh giá tiêu chí về thu nhập còn có tiêu chí đo lường các chiều: Y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội với 11 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các chiều xã hội cơ bản.

Ðể thực hiện đạt các mục tiêu của chương trình, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ kéo giảm nghèo và chỉ số thiếu hụt đa chiều của các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó, thành phố đã hỗ trợ cả trăm nghìn dự án giúp các hộ nghèo, cận nghèo sản xuất, ổn định cuộc sống, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong nước và nhiều người xuất khẩu lao động. Thực hiện miễn giảm, hỗ trợ học phí cho hàng trăm nghìn lượt học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; vận động xây dựng nhà tình thương... Thành phố còn thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về khoa học công nghệ, đẩy mạnh sản xuất, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2018, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố đã kéo giảm hơn 30.523 hộ thiếu hụt chiều y tế (giảm 94,94% số hộ thiếu hụt); kéo giảm 13.048 hộ thiếu hụt chiều tiếp cận thông tin (giảm 93,72%); kéo giảm 25.564 hộ thiếu hụt chiều điều kiện sống (giảm 59,53%); kéo giảm 23.364 hộ thiếu hụt về chiều giáo dục và đào tạo (giảm đạt 41,15%) và 22.847 hộ thiếu hụt về việc làm, bảo hiểm xã hội (giảm 41,05%). Thành phố đã huy động nhiều nguồn lực phục vụ cho chương trình giảm nghèo bền vững. Năm 2017, kinh phí hỗ trợ chương trình giảm nghèo của thành phố là 3.911 tỷ đồng và năm 2018 hơn 4.500 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được phân bổ, hỗ trợ trên cơ sở bảo đảm kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố đã thực hiện lâu dài, kiên trì để nâng cao chất lượng đời sống của các hộ nghèo. Muốn các hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, các hộ này phải có việc làm, tay nghề ổn định, tự nuôi sống bản thân. Nhiều quận, huyện đã xây dựng đề án đào tạo nghề kết hợp với những ưu đãi, chế độ hỗ trợ để giúp người dân không ngừng vươn lên.

Trong hai năm 2019 - 2020, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ vốn vay nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống. Phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn của thành phố...

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh Thi Thị Tuyết Nhung đánh giá, việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều giai đoạn 2016-2020 rất thuận lợi. Thu nhập hộ nghèo thời gian qua đã tăng 3,5 lần, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1%/năm. Giá trị và động lực cốt lõi của chương trình chính là khơi dậy ý thức, nghị lực và nỗ lực của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt khó để vươn lên.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, trong hai năm 2019 - 2020, ngoài việc nâng chuẩn nghèo về thu nhập, những chiều còn nhiều thiếu hụt khác sẽ được thành phố chú trọng hơn, tìm các giải pháp hữu hiệu hơn để giúp người nghèo cải thiện về đời sống, công ăn việc làm, qua đó thoát nghèo bền vững. Năm 2019, thành phố dự kiến huy động nguồn lực để thực hiện các giải pháp giảm nghèo là 4.670 tỷ đồng và năm 2020 là 4.736 tỷ đồng…