Giảm chi phí sản xuất để giữ giá

Nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá do đầu vào nguyên liệu tăng, cùng với giá xăng, điện cao, dịch bệnh… đã góp phần đẩy giá thành sản phẩm. Các cơ sở sản xuất và siêu thị tại TP Hồ Chí Minh đã lên phương án phối hợp giảm chi phí sản xuất để tìm cách giảm và giữ giá, không để thị trường giá biến động mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Người tiêu dùng chọn mua hàng bình ổn giá tại một siêu thị.
Người tiêu dùng chọn mua hàng bình ổn giá tại một siêu thị.

Cầm 500 nghìn đồng trong tay, chị Tú Lan (ngụ quận 10) tính toán chi li khi quyết định mua từng món ăn cho gia đình sáu người. “Chỉ tháng trước thôi, cũng với số tiền này, tôi mua được đầy đủ từ gạo đường, mắm muối đến thịt cá, lại còn dư dả để mua thêm trái cây. Tuy nhiên giờ đây, tất cả đều tăng giá, ít thì vài ba nghìn đồng, nhiều thì cả chục nghìn đồng/món. Dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập, nay hàng hóa lại tăng giá thì không biết xoay xở thế nào” - chị Lan chia sẻ. Không chỉ bà nội trợ lo lắng, mà cả những người kinh doanh cũng đứng ngồi không yên. “Từ đầu tháng 4, nhiều đầu mối cung cấp dầu ăn, bột, trứng… thông báo bảng giá mới. Như dầu ăn trước đây tầm 26.500 đồng/lít, nay đã tăng lên hơn 30.000 đồng/lít; đường cát có giá 15.000 đồng/kg, giờ cũng tăng thêm 4.000-5.000 đồng/kg… Với đà tăng đều thế này, chắc chắn chúng tôi sẽ phải tăng giá bán, dù không muốn” - bà Lý, kinh doanh quán ăn ở quận 3 bày tỏ.

Khảo sát tại một số siêu thị lớn cho thấy, nhiều nhà cung cấp trong nước cũng như cung cấp hàng nhập khẩu đều đề nghị tăng giá. Trong đó, có nhóm dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền. “Nhiều sản phẩm thịt thăn lưng, đùi gà, phô-mai khô… nhập từ Mỹ và châu Âu được báo giá mới sẽ tăng tới 32% so với đơn đặt hàng hồi tháng 1-2021. Thậm chí, một công ty sản xuất nui thông báo sẽ tăng 40-50%. Trước việc đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp, chúng tôi đang đàm phán để làm sao bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa nhà sản xuất, nhà phân phối bán lẻ cũng như người tiêu dùng” - đại diện một siêu thị cho biết.

Theo Giám đốc cung ứng Công ty Sài Gòn Food Ðỗ Văn Khuôl, đến thời điểm hiện tại, tất cả các nguyên liệu sản xuất, từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng giá. Trong đó, các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng 5 - 10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15 đến 70%, găng tay cao-su tăng 300%... Các nguyên liệu nội địa như gạo, thủy sản… do bị mất mùa và giảm sản lượng cũng tăng từ 5 đến 20%. Dự báo giá thành chịu ảnh hưởng tăng từ 5 đến 15% tùy từng loại mặt hàng trong quý I và II, và có thể tăng từ 10 đến 25% từ quý III và IV-2021. “Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên giá nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài tăng. Thậm chí, một số nơi có dấu hiệu trữ hàng, tạo khan hiếm cũng góp phần khiến giá tăng đột biến. Một số thời điểm, nguyên liệu sản xuất còn bị đứt hàng do ảnh hưởng Covid-19 không thể vận chuyển bằng đường hàng không lẫn đường biển” - ông Khuôl nói.

Theo Saigon Co.op, từ giữa cuối tháng 4, hệ thống này đã nhận được đề nghị sẽ tăng giá hàng loạt mặt hàng vào tháng 5, trong đó tập trung vào nhóm dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền. Lý do các nhà cung cấp đưa ra là giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng. “Tất cả các đề nghị tăng giá của nhà cung cấp sẽ được Saigon Co.op xem xét cẩn trọng, không áp dụng tăng giá ngay mà phải đưa ra lộ trình hợp lý dựa trên độ trễ đặc trưng của từng lô hàng, từng ngành hàng” - Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Ðức nói và cho biết thêm: Bên cạnh nỗ lực giữ giá, đơn vị này còn kêu gọi các nhà sản xuất, nhà cung ứng cắt giảm lợi nhuận để giảm giá, nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu của người tiêu dùng. Theo đó, từ nay đến hết ngày 19-5, hơn 10.000 nhu yếu phẩm gồm một số loại sữa, dầu ăn, đường, mì ăn liền... sẽ luân phiên giảm giá từ 20 đến 50%; các sản phẩm thịt gà như gà thả vườn nguyên con, phi-lê ức gà, đùi tỏi, má đùi gà… giảm giá trung bình 15% đến hết tháng 5-2021.

Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản VISSAN, cũng sẽ giảm giá đến 15% đối với các mặt hàng thịt heo VietGAP và thịt bò tại tất cả các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh. Theo đại diện Công ty Acecook, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên giá một số nguyên liệu chính của mì ăn liền bắt đầu tăng từ quý IV-2020 và sẽ tiếp diễn trong năm nay. Vì vậy, chi phí thành phẩm tăng lên là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, công ty đang nỗ lực giảm chi phí không cần thiết, giảm hao phí phát sinh, tự động hóa sản xuất… trước khi nghĩ đến phương án tăng giá hàng hóa. Tương tự, chủ cơ sở chuyên cung cấp thủy hải sản chế biến Kiều Thị Huyền Trang (quận 12) khẳng định: “Hiện doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, nhưng chúng tôi vẫn chưa  tăng giá sản phẩm. Thay vào đó, công ty cắt giảm chi phí, tái cấu trúc bộ máy, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số... Chúng tôi đang nỗ lực chắt chiu từng cơ hội, tiết kiệm chi phí nhiều nhất nhằm giảm giá thành, giảm thiệt hại”.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, trong tháng 5 và thời gian tới, thị trường hàng thiết yếu sẽ không có biến động lớn về cung - cầu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thị trường thế giới hoặc việc tăng thuế nhập khẩu với một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào trong giai đoạn đầu năm đã tác động đến giá một số mặt hàng như nông sản, sữa, thực phẩm chế biến…