Giải quyết tận gốc tình trạng khai thác cát trái phép

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa thông qua đề án phòng, chống tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðồng Nai, Tiền Giang…, nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép đang ở mức báo động.

Lực lượng liên ngành kiểm tra tàu khai thác cát tại vùng biển Cần Giờ.
Lực lượng liên ngành kiểm tra tàu khai thác cát tại vùng biển Cần Giờ.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Anh Dũng cho biết: Thực trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2015-2018 đã ở mức báo động. Nhiều trường hợp liều lĩnh tổ chức khai thác có quy mô thường diễn ra rầm rộ, nhất là vào ban đêm, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Ðiều này không chỉ gây mất an ninh, trật tự tại địa phương, ô nhiễm môi trường, nguy cơ sụt lún, mà còn làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và tính mạng người dân. Ông Dũng cho biết thêm, giai đoạn 2015-2018, huyện Cần Giờ đã phát hiện xử lý 151 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt hơn 5,5 tỷ đồng. Trước tình trạng khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi, xem thường pháp luật, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố Tô Danh Út kiến nghị sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp phương tiện đó đã bị xử phạt vi phạm nhưng tiếp tục tái phạm nhằm gắn trách nhiệm của các chủ sở hữu trong việc cho thuê phương tiện. Sửa đổi quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản theo hướng: Tăng mức phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép và phân cấp thành nhiều mức phạt khác nhau; Bổ sung hình thức phạt bổ sung khắc phục hậu quả vi phạm…

Ðồng quan điểm nêu trên, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết: Nếu tính trữ lượng thì toàn bộ cát ở miền nam chỉ đủ cho riêng thành phố sử dụng trong hai năm là hết; do đó đề nghị Sở Xây dựng thành phố tính toán chỉ cấp phép xây dựng khi chủ đầu tư bảo đảm nhà thầu cung cấp cát san lấp từ nguồn hợp pháp. Do hiện nay trên địa bàn thành phố chỉ có một dự án nạo vét, tận thu khoáng sản được cấp phép tại khu vực sông Gò Gia, huyện Cần Giờ. Mặc dù các tỉnh, thành phố giáp ranh như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðồng Nai, Tiền Giang… đã ký kết quy chế về việc quản lý tài nguyên khoáng sản, nhưng việc thực hiện còn nhiều khó khăn và hiệu quả chưa cao. Thiếu tướng Phan Anh Minh đề nghị, thời gian tới, với những đối tượng vi phạm nhiều lần sẽ tiến hành cộng dồn, nếu số lượng tang vật vi phạm đủ hơn 1.000 m3 thì chuyển hồ sơ xử lý hình sự. Ðồng thời, kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật, tịch thu phương tiện khi phương tiện có khối lượng cát 10 m3 trở lên thay vì 50 m3 như hiện nay. Thiếu tướng cũng nhấn mạnh: Thành phố cần xem lại việc quy hoạch các dự án, công trình mà không tính tới nguồn cát. Có người nghĩ rằng cứ để các đối tượng khai thác cát trái phép các vùng khác đem về thành phố để sử dụng thì có sao đâu? Tôi cho rằng làm vậy là vi phạm quy định, quy chế đã ký phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh. Thậm chí, có cả công trình trọng điểm quốc gia cũng sử dụng cát trái phép, nếu không xử lý thì hạn chế sao được.

Hiện nay, việc xử lý vi phạm gặp khó khăn, hạn chế, các lực lượng thường xử lý sai về đối tượng, nhiều vụ vi phạm do pháp nhân thực hiện nhưng lại xử phạt cá nhân; không đi xác nhận phương tiện, chủ thể tận nơi mà thường dựa vào hiện trường xử lý; các đối tượng đối phó thì chúng ta không vạch trần sự đối phó đó (như với chủ phương tiện cho thuê, hợp đồng… cũng phải xử phạt); không đúng về hành vi (phạt một lần tại chỗ khi vi phạm mà không xác minh lại các lần trước… cho nên không tăng nặng hình phạt); có thái độ quan ngại khi xử lý gặp phương tiện đã thế chấp ngân hàng, ngại đi xác minh, phát mãi thay chủ phương tiện. Ngay cả lực lượng công an cũng chấp nhận xử phạt kiểu này, nếu xử phạt cộng dồn có thể xử lý hình sự. Vì vậy, thời gian tới, cần thành lập tổ chuyên ngành cấp thành phố và quận, huyện để thực hiện tuần tra và xử phạt.

Nói về nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn thành phố đang trong tình trạng báo động, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chỉ rõ: Vấn đề cốt lõi là khai thác cát phải có nơi xuất phát, tập kết kiểm soát được các nơi này thì khả năng ngăn chặn rất cao. Xử lý khai thác cát trái phép là xử lý tận gốc. Ðồng chí cũng yêu cầu các lực lượng chức năng trên bờ cần rà soát, kiểm tra để không cho các điểm mua bán, tập kết vật liệu cát trái phép tồn tại, làm mạnh tay khiến họ không mua bán được thì cũng phần nào giảm được nạn khai thác cát trái phép. Thành phố cần báo cáo Bộ Xây dựng để cân đối cung cầu vật liệu xây dựng cho khu vực phía nam, giải quyết yếu tố thị trường, từ đó hoạch định chính sách mở hay không mở mỏ khai thác cát? Việc cần làm sớm trong năm nay để đến năm 2020 hoạch định được cung cầu cát xây dựng và san lấp, đến năm 2021 sẽ tổng kết đánh giá kết quả.