Giải pháp xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu nhỏ

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh vừa hoàn thiện dự thảo hướng dẫn các quận (1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú) nơi có tuyến Metro số 2 đi qua về quy hoạch, kiến trúc trong khu vực giáp ranh giải phóng mặt bằng của dự án các nhà ga Metro số 2 để bảo đảm đồng bộ về quy hoạch, kiến trúc và tránh tình trạng xuất hiện các nhà siêu mỏng, siêu nhỏ. Điểm đặc biệt của dự thảo này là nhà có diện tích nhỏ hơn 15 m2 chỉ được sửa chữa, giữ nguyên hiện trạng, không được xây mới.

Những căn nhà siêu mỏng trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh.
Những căn nhà siêu mỏng trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh.

Nhiều căn nhà siêu mỏng 

Khi thực hiện dự án mở rộng đường Bùi Đình Túy (phường 24, quận Bình Thạnh) đã xuất hiện nhiều căn nhà siêu mỏng. Có những căn nhà chỉ rộng khoảng 3 đến 4 m2, có căn rộng 5 m2, cá biệt có những căn chiều dài chỉ khoảng 1 m. Tương tự, tại quận Tân Bình, trong 365 hộ bị giải tỏa mặt bằng cho tuyến Metro số 2 thì có 87 căn nhà có diện tích còn lại siêu nhỏ, dưới chuẩn xây dựng. Trong đó, 49 trường hợp diện tích nhà ở còn lại dưới 15 m2 sau giải phóng mặt bằng. Chủ sở hữu một căn nhà có diện tích 8 m2 cho biết, gia đình bà sẽ xin phép chính quyền sửa chữa lại căn nhà để kinh doanh. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện nay có hơn 1.000 căn nhà diện tích siêu nhỏ do ảnh hưởng bởi các dự án mở rộng mặt đường, đầu tư hạ tầng... Những căn nhà này xuất hiện rải rác tại các tuyến đường như: Trần Hưng Đạo (quận 5), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), đường Võ Văn Kiệt (quận 5 và quận 6), Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6, quận 11 và quận Tân Phú), Phạm Văn Đồng, đường Bùi Đình Túy, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh)...

Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình Mai Văn Thuận cho biết: Sau khi giải phóng mặt bằng, quận đã cấp phép sửa chữa, cải tạo cho những hộ dân có diện tích căn nhà nhỏ, đủ tiêu chuẩn (từ 15 m2 trở lên) theo quy định. Đối với những căn có diện tích dưới chuẩn, UBND quận sẽ xét cảnh quan, xét hợp khối từng trường hợp cụ thể. Nếu đủ điều kiện hợp khối, UBND quận sẽ cấp phép hợp khối xây dựng cho các hộ dân. 

Thực hiện nhiều giải pháp 

Để chấn chỉnh tình trạng nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, từ lâu TP Hồ Chí Minh đã khuyến khích người dân hợp thửa, hợp khối. Tuy nhiên, việc khuyến khích hợp thửa lại đụng chạm đến quyền lợi các bên, bởi bên mua thì ép giá mua thấp, bên bán lại muốn bán với giá cao cho nên vẫn còn vướng mắc, chưa tìm được tiếng nói chung. Gỡ vướng cho nội dung này, tại dự thảo hướng dẫn các quận về quy hoạch, kiến trúc trong khu vực giáp ranh khi giải phóng mặt bằng của Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã chia những căn nhà siêu mỏng, siêu méo này làm hai trường hợp là cải tạo và sửa chữa. Đối với công trình cải tạo, sửa chữa mà không thay đổi kết cấu, quy mô tầng cao so với hiện trạng trước khi giải tỏa thì giữ nguyên chiều cao, tầng cao như trước khi giải tỏa. Đồng thời, bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, an toàn thoát hiểm, an toàn kết cấu chịu lực. Công trình sau khi sửa chữa phải có phương án tạo phân vị ngang tại cốt cao độ 7 m so với cao độ vỉa hè. Đối với trường hợp xây mới có thay đổi kết cấu, quy mô xây dựng so với hiện trạng trước khi giải tỏa, Sở Quy hoạch - Kiến trúc căn cứ theo quy mô để có phương án xử lý. Cụ thể, với các khu đất có diện tích từ 36 m2 đến 500 m2, có chiều rộng mặt tiền tại vị trí tiếp giáp ranh giải tỏa và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3 m trở lên thì tầng cao xây dựng tối đa tám tầng (gồm cả mái che sân thượng). Đối với các khu đất có diện tích từ 15 m2 đến 36 m2, có chiều rộng mặt tiền tại vị trí tiếp giáp ranh giải tỏa và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ hơn 3 m thì được xây nhiều nhất là bốn tầng. Cả hai trường hợp này phải bảo đảm mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất theo quy định hiện hành. Đồng thời, công trình sau khi xây mới phải có phương án tạo phân vị ngang tại cốt cao độ 7 m so với cao độ vỉa hè.

Riêng đối với các khu đất có diện tích dưới 15 m2 hoặc có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3 m thì chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng, không được xây mới. Sở Quy hoạch - Kiến trúc khuyến khích người dân nên hợp khối với công trình liền kề để tạo sự đồng bộ về cảnh quan trên toàn tuyến hoặc chuyển nhượng phần diện tích này cho địa phương để sử dụng vào mục đích công cộng.

Về lâu dài, tại đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn" vừa được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt mới đây đã đưa ra giải pháp nhằm xóa bỏ triệt để những căn nhà siêu nhỏ, siêu mỏng. Theo đó, khi thực hiện các công trình giao thông, thành phố sẽ thu hồi thêm đất ở hai bên công trình để thực hiện tái định cư tại chỗ cho những người bị thu hồi đất, cả người có đất trong phạm vi hạ tầng và người có đất kề bên hạ tầng. Mỗi người bị thu hồi đất đều được nhận lại một diện tích đất nhỏ hơn tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Thành phố sẽ quy hoạch lại hai bên hạ tầng và phần đất dôi dư được bán đấu giá để thu tiền phục vụ triển khai thực hiện.