Giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế (CCKT) được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng để kinh tế TP Hồ Chí Minh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và phát triển bền vững.

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm sạch tại một cửa hàng tiện lợi Satrafoods.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm sạch tại một cửa hàng tiện lợi Satrafoods.

Nhiều năm nay, TP Hồ Chí Minh đã xác định và có nhiều giải pháp để thúc đẩy chuyển dịch CCKT theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Năm 2018, các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 62,4% trong tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP). Trong đó, các nhóm ngành dịch vụ có chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh của thành phố là: Tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; khoa học - công nghệ, y tế; giáo dục và đào tạo... chiếm tỷ trọng 57,1% trong GRDP.

Theo PGS, TS Trần Huy Hoàng (Khoa Ngân hàng, Trường đại học Tài chính - Ma-két-tinh), TP Hồ Chí Minh là một thị trường rộng lớn và năng động nhất cả nước với nhiều ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Không gian như vậy đã dẫn đến sự cạnh tranh cao, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) nhanh chóng tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, những công nghệ mới nhất có thể để kỳ vọng vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Cùng với đó, điều kiện kinh doanh thông thoáng và cơ hội kinh doanh rộng mở với nhiều đối tác quốc tế đã giúp nhiều DN rút ngắn thời gian bắt nhịp xu hướng kinh doanh toàn cầu và hội nhập thế giới.

Tuy nhiên, kinh tế thành phố cũng đang đối mặt không ít thách thức. Trong thời gian qua, giá trị từ gia công, tăng vốn đầu tư và tăng trưởng sản xuất, kinh doanh theo chiều rộng vẫn chiếm phần nhiều trong tăng trưởng kinh tế. Cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông chưa phát triển tương xứng, chưa thông suốt như mong muốn ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của các ngành kinh tế. Nguồn nhân lực của thành phố mặc dù vẫn đang phát triển theo xu hướng tăng dần ở các ngành kỹ thuật cao, nhưng lực lượng lao động còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng lẫn chất lượng của nhà tuyển dụng.

GS,TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thanh Tuyền (nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững, trước hết, thành phố cần tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, nhân tố quan trọng, có tính quyết định tới sự phát triển kinh tế trong xu thế hội nhập toàn cầu. Trong đó, cần nhận rõ quan hệ cân đối giữa các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành kinh tế có tích lũy tiền tệ và giá trị gia tăng cao.

TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, do vậy cần xây dựng một cấu trúc kinh tế thích ứng với thời kỳ mới, lấy năm ngành kinh tế mũi nhọn làm trung tâm là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới và công nghệ năng lượng mới. Cùng với đó, lấy các ngành kinh tế chủ lực: Cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, hóa chất… làm trụ cột để phát triển các ngành kinh tế khác. Phát triển nhanh, mạnh và đa dạng các ngành dịch vụ, thương mại để tạo nhiều việc làm cho phần lớn người dân, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và ổn định xã hội.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đề xuất, từ nay đến năm 2025 và xa hơn, thành phố nên khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ bởi đây là khu vực có lợi thế so sánh lớn nhất, nhất là các nhóm ngành dịch vụ cao cấp. Tập trung phát triển những ngành dịch vụ có hàm lượng trí tuệ cao như viễn thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ… và có chính sách thật hấp dẫn để thu hút nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài vào những ngành dịch vụ này. Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ có khả năng thúc đẩy sự phát triển một số ngành công nghiệp trọng yếu và cùng tham gia hình thành chuỗi giá trị. Ðây là nền tảng quan trọng để giúp nền kinh tế thành phố tăng quá trình gắn kết, hội nhập toàn cầu…

Nguồn lao động là yếu tố cốt lõi đối với việc chuyển dịch CCKT. Nguồn lao động cần số lượng và chất lượng tương ứng với CCKT, bảo đảm cơ cấu hợp lý đối với từng ngành nghề, từng giai đoạn phát triển của khoa học - công nghệ. Muốn vậy, cần có dự báo và tầm nhìn chiến lược về tái CCKT và nguồn lao động tương ứng một cách chính xác, nhất là trong kế hoạch ngắn hạn (ít nhất 5 năm) và cố gắng dự báo sát với thực tiễn dài hạn. Những chiến lược này cần gắn chặt chẽ với xu hướng phát triển khoa học - công nghệ, sự lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên phạm vi toàn cầu và sự dịch chuyển ngành nghề.

Với khát vọng không ngừng vươn lên, thành phố cần có bước đi phù hợp để trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm dịch vụ khoa học - công nghệ tiên tiến. Ðể thực hiện được định hướng này, thành phố cần thiết lập một cơ quan tư vấn về đổi mới sáng tạo, gồm các chuyên gia hàng đầu về kinh tế và công nghệ. Cùng với đó, xây dựng một quỹ đầu tư mạo hiểm và khuyến khích các công ty tư nhân tham gia. Quỹ này sẽ tài trợ vốn cho các ý tưởng khởi nghiệp. Nên có chính sách khuyến khích các công ty nhập khẩu bằng sáng chế và triển khai ứng dụng ở Việt Nam. Ðồng thời, cần có những cơ chế ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, tiền thuê mặt bằng… cho các DN khởi nghiệp nhờ ứng dụng các bằng sáng chế.