Giải pháp lâu dài cho ba vấn đề nóng môi trường

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang đối mặt ba vấn đề “nóng” về môi trường, đó là: Ô nhiễm nước mặt, ô nhiễm không khí, ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại, y tế. Thực tế này đòi hỏi thành phố phải thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp.
TP Hồ Chí Minh đang quyết liệt thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường để đô thị ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TP Hồ Chí Minh đang quyết liệt thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường để đô thị ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Rạch Ụ Cây, đoạn nằm ở ranh giới phường 10 và phường 11, quận 8 luôn trong tình trạng đầy rác, bốc mùi hôi khó chịu và nước đen ngòm. Chính quyền địa phương đã cho cải tạo lại kênh, mương để chỉnh trang đô thị và giải quyết ô nhiễm nhưng chỉ được thời gian đầu, về sau lại tiếp tục ô nhiễm, thậm chí có nhiều đoạn còn ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Ông Trần Văn Khôi, ngụ phường 10, quận 8 cho biết, người dân sống dọc hai bên rạch Ụ Cây phải “gồng mình” chịu đựng mùi hôi thối bốc lên từ con rạch. Dòng nước quanh năm đặc quánh mầu đen, còn rác thì nổi lềnh bềnh cả con rạch…

“Ngày nào chúng tôi cũng đi vớt rác ở rạch Ụ Cây. Hôm nay vớt xong, ngày sau lại tiếp tục phải đi vớt tiếp, vì rác vào mùa mưa theo các ống cống trôi xuống rạch nhiều lắm”, ông Bùi Văn Oanh, công nhân vớt rác Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận 8, cho biết.

Không chỉ rạch Ụ Cây, hầu hết các kênh, rạch ở quận 8 đều bị ô nhiễm. Nhiều người dân than phiền, từ kênh Đôi đến rạch Sáng, rạch Bén, rạch Hiệp An, kênh Xáng, cầu Rạch Xáng… đều ô nhiễm. Khi triều dâng cao, kênh, rạch chứa đầy rác trôi nổi lềnh bềnh, đủ các loại..., khi thủy triều rút xuống thì mặt nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Tình trạng ô nhiễm kênh, rạch tại TP Hồ Chí Minh đang rất nghiêm trọng. Rạch Xuyên Tâm, đoạn chảy qua quận Bình Thạnh; kênh Ba Bò (quận Thủ Đức); kênh Nước Đen (quận Bình Tân) và nhiều tuyến kênh, rạch khác luôn trong tình trạng báo động “đỏ” về ô nhiễm môi trường khiến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân sống ven kênh, rạch bị đảo lộn, nguy cơ dịch bệnh luôn rình rập.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) TP Hồ Chí Minh, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường nước mặt của thành phố như do nguồn thải sinh hoạt, công nghiệp, ô nhiễm liên tỉnh và khả năng tự làm sạch của sông, kênh, rạch… Nước mặt là một trong ba nguồn ô nhiễm chính nhưng hiện nay thành phố chưa có hệ thống thiết bị quan trắc tự động chất lượng nước mặt cho nên chưa đủ dữ liệu để đánh giá suốt 24 giờ trong ngày và đánh giá toàn diện chất lượng nước mặt trên toàn thành phố (chỉ đánh giá tạm thời tại 24 điểm quan trắc).

Báo cáo chất lượng nước sông mới đây từ 24 trạm quan trắc trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai cho thấy, chỉ tiêu DO, BOD5, vi sinh (Coliforms) vượt quy chuẩn cho phép. So với kết quả cuối năm 2015, nồng độ DO hiện nay tại 20 điểm quan trắc như Bến Củi, Bến Súc, Phú Cường, Rạch Tra, Phú Long, Bình Lợi, Cát Lái, Nhà Bè... tăng gấp từ 1,01 đến 8,92 lần. Bốn điểm còn lại giảm từ 1,05 đến 1,36 lần. Hiện, tổng lượng nước thải trên địa bàn thành phố thải ra nguồn tiếp nhận khoảng 1.750.000m3/ngày, trong đó mới có tổng cộng hơn 420 nghìn m3 nước thải/ngày được xử lý đạt chuẩn, chiếm 24%.

Ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh cũng rất đáng lo ngại. Trong đó, nguyên nhân gây ô nhiễm nặng nề nhất là bụi, khí thải phát sinh từ các năng lượng cố định, các phương tiện giao thông... Hiện thành phố chưa có thiết bị quan trắc tự động chất lượng không khí nên chưa đủ dữ liệu để đánh giá toàn diện chất lượng không khí trên toàn thành phố (hiện chỉ quan trắc không khí tại 12 vị trí quan trắc giao thông cửa ngõ).

Đối với chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại, y tế, theo thống kê của Sở TN và MT thành phố, ước tính mỗi năm khối lượng gia tăng từ 8 đến 10%.

Theo các chuyên gia về môi trường, thành phố vẫn chưa đánh giá đúng thực trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có nguyên nhân là do chưa có hệ thống quan trắc đồng bộ về ô nhiễm không khí cũng như nguồn nước mặt. Ngoài ra, sự gián đoạn trong hoạt động quan trắc đã dẫn đến số liệu đánh giá không phản ánh được chỉ số đo đạc liên tục. Ngoài một lượng lớn khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải, năng lượng cố định mà hằng ngày thành phố phải tiếp nhận, lượng ô nhiễm khí thải từ các doanh nghiệp (DN) sản xuất cũng là một con số khổng lồ. Hiện tại, các hoạt động của các DN trong khu chế xuất, khu công nghiệp, trung bình mỗi ngày đã thải ra môi trường hơn 32 tấn bụi, gần 490 tấn SO2, 27 tấn NO2. Đó là chưa tính lượng khí thải của hàng loạt DN, xí nghiệp, nhà máy nhỏ lẻ nằm rải rác trên địa bàn đang hoạt động…

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường đang báo động hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng thành phố cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong bảo vệ môi trường; đầu tư hệ thống các trạm quan trắc tự động để đo liên tục chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm; mở rộng mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường trên địa bàn thành phố để theo dõi, đánh giá đúng hiện trạng, diễn biến môi trường, qua đó đề xuất các biện pháp đầu tư, thực hiện mang tính lâu dài.

Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường nguồn lực để tập trung đầu tư và kêu gọi các DN đầu tư các dự án xử lý ô nhiễm môi trường. Trong đó, mời gọi đầu tư vào bảy dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải ở lưu vực tây Sài Gòn (tổng vốn 7.700 tỷ đồng), lưu vực Bình Tân (9.804 tỷ đồng), lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm (6.395 tỷ đồng)... Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Sớm ban hành quy chế quản lý đối với lực lượng thu gom rác dân lập; quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân loại chất thải rắn tại nguồn… Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân...