Gắn đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp

Bình quân mỗi năm, TP Hồ Chí Minh giải quyết hơn 300 nghìn việc làm, tạo thêm 135 nghìn việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị xuống dưới 3,8%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thành phố vẫn tồn tại một khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo của người lao động với nhu cầu của doanh nghiệp.

Sinh viên ngành tự động hóa thực hành thiết kế rô-bốt.
Sinh viên ngành tự động hóa thực hành thiết kế rô-bốt.

Thành phố đã xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động là một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Những năm gần đây, công tác giải quyết việc làm cho sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) của thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2018, đã có 10 trường ÐH được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, 21 trường ÐH, CÐ đạt tiêu chuẩn giáo dục và hơn 700 sinh viên các nước châu Á đang học tập tại thành phố. Có 72,3% trong tổng số sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm. Ðược biết, tổng số sinh viên hiện tại trên địa bàn đã đạt gần 400 nghìn. Cùng với khoảng 372 nghìn doanh nghiệp, thành phố có cơ sở quan trọng để phát huy nguồn lực giáo dục ÐH, đồng thời thúc đẩy việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong việc đào tạo và giải quyết việc làm; qua đó, góp phần hoàn chỉnh thị trường lao động và tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp từ các trường ÐH, CÐ trên địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nhìn nhận: “Còn khoảng cách xa giữa kỹ năng được đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp. Hạn chế chủ yếu dẫn đến tình trạng thất nghiệp hiện nay là do chúng ta chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh; sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi”. Chính điều này khiến cho công tác giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là sinh viên sau khi tốt nghiệp, vẫn còn nhiều thách thức. Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: Giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của thành phố. Do đó, thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh hệ sinh thái thị trường lao động, cũng như hỗ trợ các điều kiện cần thiết để tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, giảm đến mức thấp nhất khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết: Quy mô tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố luôn được duy trì và phát triển theo từng năm; do thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền nên thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên. Năm 2016 đã tuyển sinh được 402.133 người học/402.000 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ: 100,03%; năm 2017 tuyển sinh được 462.908 người học/461.000 chỉ tiêu, đạt 100,24%; năm 2018 là 482.699 người học/461.000 chỉ tiêu, đạt 104,71%. UBND thành phố cũng đề ra chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố phải đạt từ 85% đến 90%. Theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn Lâm, đến nay tỷ lệ này là 82,46%, cụ thể 3.017.584 lao động đã qua đào tạo đang làm việc trong lĩnh vực trọng yếu trên tổng số 3.659.452 lao động đang làm việc.

Theo TS Nguyễn Hữu Thảo (Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), để bảo đảm đào tạo nguồn lao động đáp ứng yêu cầu quá trình tái cơ cấu kinh tế của thành phố, rất cần dự báo nguồn lao động chính xác, từ đó các trường mới có kế hoạch đào tạo nguồn lao động cho nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Cụ thể, khi có dự báo, các trường ÐH, CÐ, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề sẽ chủ động tăng cường hợp tác, liên kết với đơn vị sản xuất, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm nâng dần tính tương thích đào tạo và sử dụng lao động. TS Thảo cho rằng, đây là một vấn đề mang tính đổi mới tư duy trong công tác đào tạo nguồn lao động nhằm bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và thị trường; giữa cung - cầu; giữa số lượng - chất lượng và cơ cấu để nguồn lao động qua đào tạo được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, thất nghiệp. Thời gian qua, một số trường và doanh nghiệp đã chủ động liên kết để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu, nhưng đó chỉ là mối liên kết đơn lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Rõ ràng, vấn đề quan trọng nhất là vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng một công cụ thật sự hiệu quả để có thể thực hiện yêu cầu dự báo chính xác nguồn lao động. Về lâu dài, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Trần Anh Tuấn cho rằng, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động; kết nối cổng thông tin hướng nghiệp, đào tạo, việc làm thành phố với các tỉnh, thành phố, khu vực và quốc gia; điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên và nhu cầu thị trường lao động (xu hướng việc làm, học nghề); hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn.