Ðể người dân ngày càng hài lòng khi làm thủ tục hành chính

Sau hơn một tuần triển khai thử nghiệm hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo Nghị định số 61/2018/NÐ-CP ngày (23-4-2018) của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, công tác giải quyết hồ sơ hành chính ở một số quận, huyện của thành phố có bước chuyển biến tích cực. Thành phố sẽ nhân rộng, triển khai đại trà hệ thống này trong thời gian tới...

Người dân đánh giá chất lượng phục vụ sau khi làm hồ sơ hành chính tại UBND xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Ảnh: THU HÀ
Người dân đánh giá chất lượng phục vụ sau khi làm hồ sơ hành chính tại UBND xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Ảnh: THU HÀ

Người dân được phục vụ tốt hơn

Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Việt Dũng cho biết, từ ngày triển khai thử nghiệm hệ thống (21-6-2019) đến ngày 29-6-2019, UBND huyện đã tiếp nhận 116 hồ sơ qua hệ thống một cửa điện tử (74 hồ sơ về cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ và 42 hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế). Ðồng thời, UBND huyện đã tiếp nhận 16 lượt người dân có ý kiến hài lòng đối với hai thủ tục này.

Ðối với ba đơn vị cấp xã thuộc huyện Củ Chi tham gia thử nghiệm (UBND thị trấn Củ Chi, UBND hai xã Tân Thông Hội và Tân Phú Trung) đã tiếp nhận 31 hồ sơ (28 hồ sơ đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em và ba hồ sơ xóa đăng ký thường trú…); qua đó có 20 lượt người hài lòng với hai TTHC nói trên.

Tại quận Tân Phú, Chủ tịch UBND quận Hứa Thị Hồng Ðang cho biết, qua một tuần (từ ngày 21 đến 28-6-2019), hệ thống tiếp nhận tổng cộng 120 hồ sơ; số lượt người dân và tổ chức tham gia tương tác, đánh giá theo hệ thống mới là 195 lượt, chủ yếu là đánh giá ở khâu tiếp nhận hồ sơ và đánh giá trong quá trình theo dõi, giải quyết hồ sơ; trong đó có 194 lượt đánh giá tốt và một ý kiến đánh giá bình thường.

Còn tại phường Trường Thạnh (quận 9), một trong những đơn vị cấp xã được chọn thí điểm, lãnh đạo UBND phường cho biết: Hệ thống mới đã góp phần giảm đáng kể thời gian, sự phiền hà cho người dân khi đến làm TTHC. Người dân tra cứu được thông tin về hồ sơ của mình khi đăng nhập vào hệ thống và yên tâm hơn khi có thể theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của mình qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại…

Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Sĩ cho biết: Hệ thống chính thức được vận hành, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ từ ngày 21-6-2019, khi bốn TTHC ở các quận, huyện, xã, phường thử nghiệm được kết nối đến Cổng dịch vụ công thành phố. Kết quả cho thấy, hệ thống giúp người dân dễ dàng tra cứu để theo dõi cũng như được nhận thông tin về tình trạng hồ sơ thông qua tin nhắn điện thoại hoặc thư điện tử cá nhân một cách kịp thời; tăng cường sự công khai, minh bạch và thuận tiện trong việc giải quyết TTHC cho nhân dân.

Người dân, doanh nghiệp có thể cho ý kiến đánh giá trên thiết bị điện tử đặt tại quầy tiếp nhận; sử dụng mã vạch in trên biên nhận để quét hoặc nhập mã hồ sơ để khảo sát đánh giá trên ki-ốt thông tin ở nơi nhận, trả hồ sơ; sử dụng mã hồ sơ hoặc tài khoản đã tạo tại Cổng dịch vụ công thành phố để cho ý kiến đánh giá…

Bước đầu cho thấy, phần lớn người dân đánh giá cao sự chuyển biến về giải quyết các TTHC và các nhóm TTHC liên thông giữa các cấp chính quyền.

Liên thông, đồng bộ và đơn giản hóa

Chủ tịch UBND quận Tân Phú Hứa Thị Hồng Ðang cho rằng, tuy đã chứng tỏ được nhiều ưu điểm nhưng hệ thống vẫn còn có một số hạn chế như: Nhiều thiết bị chưa tương thích, chưa thuận tiện để cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ với thời hạn mong muốn… Vì vậy, trong thời gian tới, cần nâng cao tính đồng bộ hóa các trang, thiết bị để hệ thống vận hành thông suốt hơn. Ðồng thời, nghiên cứu hoàn thiện thêm các quy trình, các bước thao tác của hệ thống để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong quá trình thực hiện nộp hồ sơ hành chính theo hệ thống mới.

Còn theo Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Sĩ, UBND thành phố cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống, sớm đưa vào vận hành chính thức, bảo đảm hiệu quả và phù hợp các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, UBND thành phố cần chỉ đạo các UBND cấp huyện và cấp xã phải thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện các quy trình đã được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt, chấm dứt tình trạng cùng một TTHC nhưng mỗi đơn vị tự ý thêm thành phần hồ sơ, đặt ra quy trình giải quyết khác nhau.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch để nhân rộng hệ thống này đối với các quận, huyện đăng ký tham gia thử nghiệm và các sở, ban, ngành đã xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử; tiến đến triển khai đại trà hệ thống này ở các cấp chính quyền, cơ quan hành chính trên toàn địa bàn thành phố. Cùng với đó, thành phố sẽ nghiên cứu mô hình cụ thể về công nghệ, giải pháp phần mềm, tiêu chí khảo sát để áp dụng đồng bộ, thống nhất trên toàn địa bàn thành phố cũng như để đánh giá sự hài lòng của người dân khi làm TTHC một cách toàn diện hơn nữa.

Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND thành phố cần rà soát lại hệ thống để bảo đảm tốt tính tương thích, liên thông, đồng bộ với hệ thống Chính phủ điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia; chuẩn hóa, thống nhất và sớm công bố đầy đủ các quy trình nghiệp vụ giải quyết từng loại TTHC; đơn giản hóa, thuận tiện hóa hơn nữa để ngày càng có nhiều người dân tham gia hệ thống đánh giá này. Ðồng chí cũng yêu cầu cán bộ, công chức phải thật sự lắng nghe ý kiến người dân, tạo được sự gần gũi với người dân, coi sự hài lòng của người dân là thước đo để đánh giá mức độ lao động và phục vụ dân.