Ðể có thêm nhiều ngày sách Việt Nam

Từ khi Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 21-4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam, 5 năm qua, TP Hồ Chí Minh luôn là địa phương đi đầu trong việc tổ chức các hoạt động khuyến khích văn hóa đọc. Những hoạt động đưa sách đến với người dân thành phố, nhất là giới trẻ xuất hiện ngày càng nhiều và bắt đầu lan tỏa trong cộng đồng, trở thành nét đẹp văn hóa của thành phố mang tên Bác.

Các bạn trẻ tại Ðường sách TP Hồ Chí Minh.
Các bạn trẻ tại Ðường sách TP Hồ Chí Minh.

Đường sách TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức sinh nhật lên ba. Dù thời gian chưa dài nhưng cũng đủ giúp cho địa điểm này trở thành thương hiệu văn hóa của thành phố. Với thời gian ấy, có 443 chương trình giới thiệu sách, giao lưu khán giả, ký tặng sách, hay những buổi tọa đàm được diễn ra tại đây. Ngoài ra, đường sách còn là địa điểm lý tưởng cho các cuộc trưng bày, tổ chức nhiều hoạt động chủ đề gắn với các sự kiện của thành phố và cả nước. Và hơn hết, đường sách đã trở thành địa điểm để lan tỏa văn hóa đọc, mang kho tàng tri thức đến với công dân thành phố nhiều hơn. Phó Giám đốc Công ty Ðường sách thành phố Quách Thu Nguyệt cho biết: Ðường sách thành phố luôn hướng đến xây dựng một nền văn hóa đọc cho người trẻ thành phố, vì thế những hoạt động về sách nơi đây đều nhằm mục đích phục vụ đối tượng này. Nhiều hoạt động ý nghĩa của Ngày sách Việt Nam được tổ chức tại đường sách đã thu hút đông đảo độc giả, ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng.

Không chỉ có đường sách, nhiều đơn vị trong thành phố đã tổ chức Ngày sách Việt Nam với quy mô khác nhau, trong đó nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả đã mang Ngày sách Việt Nam đến gần hơn với người dân. Theo Phó Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh Vĩnh Quốc Bảo, từ năm 2014, thư viện đã phối hợp Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Ðồng, Fahasha và Bảo tàng thành phố tổ chức chương trình ngày hội đọc sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất (21-4) và Ngày sách và bản quyền thế giới (23-4) với chủ đề “Mỗi cuốn sách một giấc mơ” tại không gian thư viện. Ngày hội đã thu hút 16.591 lượt bạn đọc, 43.846 lượt tài liệu với các hoạt động như triển lãm sách, trao đổi sách cũ, giao lưu tác giả… Ðến nay, thư viện luôn có những hoạt động sôi nổi dành cho các em nhân Ngày sách Việt Nam với số lượng các bạn nhỏ tham gia ngày càng đông. Cùng hướng đến độc giả trẻ, Thư viện quận 6 từ lâu đã tổ chức nhiều mô hình, chương trình để hình thành thói quen đọc sách cho các em và người dân trên địa bàn quận. Những mô hình “Sách đi tìm người”, “Khơi nguồn văn hóa đọc” đã mang sách đến với thiếu nhi quận 6, giúp các em hiểu được lợi ích của việc đọc sách cũng như hướng dẫn kỹ năng đọc sách đúng cho các em.

Ðại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Qua 5 năm tổ chức Ngày sách Việt Nam, Sở đã tổ chức thành công nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Những hoạt động như “Chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước"; 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; hoạt động triển lãm, giao lưu, đấu giá các tác phẩm nổi tiếng; hoạt động dành cho thiếu nhi như “Vừng ơi! Mở ra…”, hay như các lễ hội đường sách Tết hằng năm… đã trở nên quen thuộc và thu hút đông đảo độc giả đến tham gia. Không chỉ quy mô ngày càng được mở rộng, chất lượng của các hoạt động Ngày sách Việt Nam luôn được nâng lên qua từng năm và lan rộng đến các quận, huyện. Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Tốt cho biết: Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, hằng năm, huyện đều phát động Tuần lễ học tập suốt đời và phong trào “Mỗi cơ sở đoàn viết về một quyển sách”. Từ phong trào này, có hơn 90 đầu sách được đoàn viên tại các cơ sở viết cảm nhận và triển khai tại đơn vị trong những cuộc sinh hoạt chi đoàn. Huyện còn phát động Ngày sách Việt Nam tại từng đơn vị trường học, tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để giáo viên và học sinh có điều kiện giao lưu học tập, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 6 Nguyễn Ngọc Quế Phương, để Ngày sách Việt Nam đến với đông đảo người dân thành phố, Ban tổ chức Ngày sách nên tổ chức luân phiên Ngày sách Việt Nam tại các quận, huyện. Ðiều này, sẽ phát động được phong trào đọc sách ở những nơi xa trung tâm thành phố, còn thiếu nhiều sách để đọc. Ðối với huyện ngoại thành như Cần Giờ, anh Nguyễn Văn Tốt mong muốn Sở Thông tin và Truyền thông nên tổ chức nhiều thư viện lưu động để trẻ em ở vùng khó khăn có điều kiện tiếp xúc với sách nhiều hơn. Việc xây dựng văn hóa đọc cho người thành phố phải bắt đầu từ các em thiếu nhi, và không chỉ thực hiện các phong trào đọc sách trong Ngày sách Việt Nam. Thành phố cần có nhiều hoạt động thiết thực để phong trào đọc sách của người dân thành phố nói chung và người trẻ nói riêng được thường xuyên hơn và xem đó là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng đề xuất nên có tiết văn hóa đọc, giờ đọc sách trong trường học để rèn cho học sinh thói quen đọc sách, khơi dậy tình yêu sách trong mỗi em. Với truyền thống năng động, sáng tạo, TP Hồ Chí Minh nên chủ động thực hiện những mô hình đưa sách vào nhà trường như thế để xây dựng phong trào đọc sách thường xuyên, tạo cho các em có thói quen đọc sách ngay từ lúc nhỏ chứ không chỉ thực hiện trong Ngày sách Việt Nam. Ðây không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là nền tảng để hình thành nhân cách cho các em sau này.