Ðể cha mẹ học sinh yên tâm hơn

Đầu năm nay, Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh thông qua nghị quyết đồng ý lắp đặt ca-mê-ra ở nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) để giám sát việc chăm sóc con em của công nhân được tốt hơn. Theo đó, đối với 99 nhóm trẻ hỗ trợ nâng chất lượng có mức được hỗ trợ bình quân hơn 34,7 triệu đồng/nhóm trẻ; đối với sáu nhóm trẻ hỗ trợ kiện toàn có mức hỗ trợ bình quân là 78,6 triệu đồng/nhóm trẻ.

Nhiều nhà trẻ, lớp mẫu giáo đã gắn ca-mê-ra để phụ huynh giám sát.
Nhiều nhà trẻ, lớp mẫu giáo đã gắn ca-mê-ra để phụ huynh giám sát.

Ngoài ra, nghị quyết cũng đồng ý lắp đặt ca-mê-ra cho 105 nhóm trẻ ở KCN, KCX, mỗi nhóm trẻ ba ca-mê-ra, dự kiến sẽ có khoảng 315 ca-mê-ra được lắp. Kinh phí thực hiện lấy từ ngân sách hằng năm của Sở Giáo dục và Ðào tạo. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Ðại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân đề nghị: Ngoài việc quan tâm tới các nhóm trẻ nằm trong KCN, KCX thì thành phố cần quan tâm tới các nhóm trẻ của doanh nghiệp không nằm trong KCN, KCX. “Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp dành quỹ đất, kinh phí để xây dựng nhà trẻ dành cho con em công nhân”, bà Trân nói. Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính thành phố cho hay: Thành phố vẫn có chính sách cho vay kích cầu và hỗ trợ toàn bộ lãi suất cho các nhà đầu tư xây dựng, thực hiện xã hội hóa trường mầm non, tiểu học. Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa xã hội Hội đồng Nhân dân thành phố, nơi có trách nhiệm thẩm tra nghị quyết cho biết: Việc hỗ trợ này nhằm tăng cường vai trò trách nhiệm của chủ nhóm trẻ trong việc chăm sóc con em công nhân ở KCN, KCX.

Ðại diện Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố cũng đã thí điểm việc lắp ca-mê-ra trong hệ thống trường mầm non ở ba địa phương là quận 1, quận 12 và huyện Hóc Môn. Qua khảo sát ý kiến tại ba địa phương thí điểm cho thấy, trong khi có gần 90% phụ huynh đồng ý lắp ca-mê-ra thì chỉ 48% giáo viên tán thành việc này. Thành phố có 1.208 trường mầm non, trong đó 465 trường công lập và 743 trường ngoài công lập. Ngoài ra còn có 1.845 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, có 14.416 nhóm lớp trong các cơ sở giáo dục mầm non. Tổng số trẻ đang được nuôi, chăm sóc là hơn 385 nghìn trẻ với gần 25 nghìn giáo viên. Với số lượng lớn các trường và nhóm lớp như vậy, nhiều người lo ngại về khoản kinh phí không hề nhỏ cho việc lắp ca-mê-ra quan sát nếu triển khai đại trà. Thực tế, hiện nay đa phần các trường mầm non trên địa bàn mới chỉ lắp đặt ca-mê-ra ở sân trường để bảo vệ an ninh, tỷ lệ lắp đặt trong lớp học thấp. Cụ thể, gần 48% trường mầm non công lập đã gắn ca-mê-ra ở sân trường, hành lang, cầu thang; chỉ 0,9% có gắn ca-mê-ra trong lớp học. Còn tại các trường mầm non tư thục, có gần 73% trường gắn ca-mê-ra ở sân trường, hành lang, cầu thang, chỉ có 4,48% gắn ca-mê-ra trong lớp học. Ở nhóm trẻ độc lập tư thục có khoảng 52% nhóm gắn ca-mê-ra ở sân trường và 10% có gắn trong nhóm, lớp học.

Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ mầm non bị bạo hành về tinh thần và thân thể khiến dư luận xã hội nói chung và cha mẹ học sinh nói riêng cảm thấy bất an. Chị Lê Thị Hoàng Oanh (quận Tân Bình) có con tới tuổi gửi vào nhà trẻ trong năm học này cho biết, chị cũng yên tâm hơn phần nào và không phải băn khoăn tìm trường cho bé khi chủ trương gắn ca-mê-ra tại các cơ sở mầm non được thực hiện. “Xem mấy đoạn phim về bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non, tôi rất lo sợ vì sắp tới gia đình tôi cũng phải tìm trường cho con theo học. Tôi rất đồng tình với việc gắn ca-mê-ra trong lớp học, bởi không chỉ hạn chế phần nào việc bạo hành trẻ ở những cơ sở mầm non mà còn có thể giúp phụ huynh quan sát hoạt động của con mình tốt hơn”, chị Oanh chia sẻ. Ðại diện một trường mầm non ở quận 12 cho biết, việc gắn ca-mê-ra trong trường học sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý nhưng gắn ca-mê-ra trực tuyến sẽ gây cản trở cho công tác giáo dục của nhà trường. Thông qua ca-mê-ra trực tuyến, phụ huynh gọi điện hỏi, thắc mắc rất nhiều vấn đề trong khi nhà trường phải tập trung chuyên môn chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Bên cạnh đó, kinh phí lắp ca-mê-ra trực tuyến cũng rất lớn, khó thực hiện nếu nhà trường tự túc, chính vì thế chỉ nên lắp ca-mê-ra nội bộ. Ða số các giáo viên cho rằng, việc không đồng tình gắn ca-mê-ra trong lớp học vì hình ảnh cập nhật trên mạng sẽ gặp nhiều rắc rối. Bởi nếu chỉ nhìn qua hình ảnh, phụ huynh sẽ dễ hiểu lầm trong nhiều tình huống hoặc lo lắng cho con quá mà liên tục gọi điện nhắc nhở giáo viên. Bên cạnh đó, việc gắn ca-mê-ra trong lớp sẽ khiến giáo viên mất tự nhiên, cảm thấy mình bị giám sát luôn lo lắng bị mắc lỗi dẫn đến áp lực và mệt mỏi. Từ năm 2010, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã có ý định lắp thí điểm ca-mê-ra tại tất cả các phòng học, tuy nhiên, ý định này bị chính những giáo viên, hiệu trưởng trường mầm non công lập phản đối. Nhiều người cho rằng việc lắp ca-mê-ra gây áp lực cho giáo viên và dẫn chứng đã có một số giáo viên xin nghỉ việc vì không chịu được áp lực của phụ huynh khi liên tục gọi điện đến cô giáo hỏi về con mình. Chính vì thế, việc lắp ca-mê-ra đến nay vẫn chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng xã hội hóa của từng cơ sở chứ chưa có quy định bắt buộc.

Quốc Bảo