Đưa cải cách hành chính vào chiều sâu

Từ đầu năm 2019 đến nay, công tác cải cách hành chính (CCHC) ở TP Hồ Chí Minh tiếp tục được chú trọng, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, thành phố không ngừng nỗ lực đưa công tác CCHC đi vào chiều sâu nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) ngày càng tốt hơn...
Người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND quận 3. Ảnh: Việt Dũng
Người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND quận 3. Ảnh: Việt Dũng

Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Huỳnh Công Hùng cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được các cơ quan, đơn vị thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi; tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả cao trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Số lượng, tỷ lệ các TTHC liên thông, liên thông điện tử trong nội bộ cơ quan, giữa các cơ quan của thành phố, giữa các cơ quan của thành phố với ngành dọc ngày càng tăng lên; số lượng các cơ quan, đơn vị áp dụng mô hình một cửa tiếp tục được mở rộng.

Hiện, thành phố đã cung cấp 1.140 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 375 dịch vụ ở mức độ 4. Việc triển khai chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính tiếp tục được quan tâm. Thành phố đã thực hiện 807 điểm kết nối vào hệ thống mạng băng thông rộng thành phố (MetroNet) phục vụ việc trao đổi thông tin trong vận hành, liên thông hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành của các cấp; triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cho 44 đơn vị và kết nối liên thông văn bản điện tử tại 760 điểm…

Nổi bật hơn cả là thành phố đã ban hành “Quy chế phối hợp giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền quyết định hoặc có ý kiến của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố”, trong đó xác định rõ thời gian thực hiện mỗi TTHC ở từng cơ quan, đơn vị. Thiết lập và triển khai thực hiện hệ thống phòng họp không giấy, ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh” tại trụ sở UBND thành phố. Bước đầu mô hình này đã chứng tỏ hiệu quả thiết thực, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành.

Cùng với đó, việc đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đã được triển khai nghiêm túc, ngày càng thực chất hơn, có sự tham gia khảo sát độc lập của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố. Thành phố đã xây dựng và đang vận hành thử nghiệm hệ thống khảo sát sự hài lòng của người dân, DN đối với việc giải quyết TTHC gắn với Cổng dịch vụ công thành phố, một cửa điện tử theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC…

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, Văn phòng UBND thành phố cần nhân rộng mô hình ghi nhận đánh giá sự hài lòng của người dân trong giải quyết TTHC; mô hình phòng họp không giấy, ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”. Sở Tư pháp thành phố cần chủ động rà soát các văn bản nhằm sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho UBND thành phố trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phải giải quyết đạt từ 80% trở lên số hồ sơ đăng ký DN thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; trong đó có từ 10 đến 15% trở lên số hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính.

Với lĩnh vực nhà đất, chiếm phần lớn hồ sơ làm TTHC bị trễ hạn cũng như tỷ lệ không hài lòng, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phải nhanh chóng khắc phục, phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn xuống dưới 0,1%. Đồng thời, gấp rút rà soát, trình Chủ tịch UBND thành phố công bố các TTHC còn lại trong lĩnh vực đất đai, nhất là các TTHC thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã…

Để tạo thêm sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả trong công tác CCHC, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, các cấp chính quyền của thành phố phải quan tâm giải quyết rốt ráo những vấn đề người dân còn bức xúc, cải thiện sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền và cán bộ, công chức. Các sở, ngành, quận, huyện, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân trong việc giải quyết TTHC. Trong đó, cần có đánh giá cụ thể mức độ hài lòng đối với từng nhóm TTHC, nhất là ba nhóm TTHC có chỉ số hài lòng thấp là đất đai, xây dựng và đầu tư.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị các đơn vị nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tất cả các quận, huyện phải tổ chức ghi nhận trực tuyến ý kiến, phản ánh của người dân và phải xử lý trong vòng từ hai đến năm ngày. Riêng việc khảo sát sự hài lòng của người dân, cần thực hiện khảo sát ở từng công đoạn cụ thể, nâng dần số TTHC được khảo sát từ sáu thủ tục hiện nay lên nhiều hơn, cố gắng đến tháng 6-2020 đạt hơn 100 TTHC ở cấp huyện và xã. Bảo đảm đến cuối năm 2019, toàn bộ các đơn vị cấp xã của thành phố công bố được tỷ lệ hài lòng của người dân; phấn đấu đạt tỷ lệ hơn 80% ý kiến của người dân, DN đến giao dịch tại các cơ quan hành chính đạt mức hài lòng…