Đưa âm nhạc dân tộc đến gần với thế hệ trẻ

Với mong muốn thế hệ trẻ được tiếp cận thường xuyên các loại hình âm nhạc dân tộc Việt Nam, nhiều đơn vị, trường học ở TP Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa với chuyên đề tìm hiểu về các loại hình nghệ thuật truyền thống. Thông qua những buổi sinh hoạt này, những nét độc đáo của nghệ thuật hát bội hay làn điệu mượt mà của từng bài dân ca, câu hò đã mang đến sự hào hứng cho các em học sinh.
Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội trong một buổi biểu diễn tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1).
Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội trong một buổi biểu diễn tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1).

Buổi sáng thứ hai của tuần cuối tháng 10 vừa rồi có chút đặc biệt đối với các học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1). Ở sân trường xuất hiện một sân khấu lớn, chung quanh được trưng bày nhiều bức ảnh với những gương mặt được vẽ mầu sặc sỡ. Nhiều em lần đầu nhìn thấy những gương mặt ấn tượng đó cũng như lần đầu được biết đến nghệ thuật Hát bội. Trong đợt sinh hoạt sân khấu học đường kỳ này, Ban Giám hiệu Trường tiểu học Trần Hưng Đạo đã phối hợp Nhà hát Nghệ thuật Hát bội thành phố đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc có từ thế kỷ thứ 13 này giới thiệu đến hơn 1.000 học sinh của trường. Trên sân khấu, NSƯT Hữu Danh giới thiệu khái quát về quá trình hình thành và phát triển của môn Hát bội, ý nghĩa của việc hóa trang những chiếc mặt nạ hát bội. Sau đó, các em học sinh đã được thưởng thức hai trích đoạn Trần Quốc Toản và Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên - Mông do đội ngũ diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Hát bội biểu diễn. Những động tác điêu luyện cùng câu chuyện gần gũi đã thu hút các em học sinh nơi đây.

Hào hứng nhất chính là phần giao lưu giữa đại diện nhà hát và các em học sinh. NSƯT Hữu Danh đặt ra những câu hỏi cơ bản nhất về nghệ thuật Hát bội mà nghệ sĩ đã giới thiệu trong phần đầu chương trình để tìm ra những câu trả lời đúng nhất. Điều bất ngờ là sau mỗi câu hỏi, nhiều cánh tay giơ lên và hầu như các em đều đáp đúng sau phần trả lời đầu tiên. Tiếp đó, các em được chút trải nghiệm khi thử tài cưỡi ngựa, chèo thuyền, những động tác ước lệ không thể thiếu của nghệ thuật hát bội.

Em Nguyễn Việt Long, học sinh lớp 52 chia sẻ: Em rất thích chương trình sân khấu học đường lần này, đặc biệt ấn tượng với những mầu sắc của các mặt nạ hát bội. Qua mỗi mầu sắc trên mặt nạ em biết được nhân vật đó hiền hay dữ, là người giỏi võ hay kẻ ác. Em thích nhất là gương mặt mầu vàng vì nó thể hiện nhân vật là người hiền.

Theo cô Lê Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, đây là lần đầu nhà trường giới thiệu nghệ thuật Hát bội với các học sinh của trường. Chương trình rất đặc sắc, gần gũi và tạo được sự hào hứng cho các em khi tìm hiểu về một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc…

Trong năm nay, Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức nhiều chương trình giới thiệu âm nhạc dân tộc đến học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Khác với những năm trước, chương trình biểu diễn nghệ thuật âm nhạc dân tộc không chỉ giới thiệu duy nhất về đờn ca tài tử mà còn mang đến những di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại khác của nước ta như quan họ, ca trù, dân ca ví, dặm… Sự đa dạng ở các thể loại âm nhạc dân tộc giúp cho chương trình trở nên phong phú, hấp dẫn hơn. Nghệ nhân Phạm Thái Bình (Trung tâm Văn hóa thành phố) chia sẻ, qua mỗi chương trình, trung tâm muốn các bạn trẻ tiếp cận được nhiều thể loại âm nhạc truyền thống của dân tộc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Ngoài ra, ban tổ chức còn đưa vào nhiều làn điệu dân ca ba miền để các em cảm nhận được nhiều màu sắc của âm nhạc dân gian nước ta.

Theo ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh, một trong những khó khăn trong việc đưa âm nhạc dân gian Việt Nam vào trường học đó là thiếu kịch bản phù hợp dành cho học sinh. Khi đến phục vụ trường nào, nhà hát hay dựng những kịch bản gắn với các vị anh hùng, nhân vật lịch sử mà trường học đó vinh dự được mang tên. Trước mắt, số lượng kịch bản dành cho hoạt động sân khấu học đường của nhà hát là không thiếu, nhưng về lâu dài cần có sự bổ sung nhiều kịch bản hay hơn. Thời gian tổ chức quá ngắn cũng ảnh hưởng đến chất lượng của các chương trình, nhất là phần giao lưu với học sinh, để các em có thể trực tiếp cảm nhận cái hay của từng thể loại âm nhạc dân tộc.

Hiện nay, nhiều trường học ở thành phố đã chủ động hình thành các câu lạc bộ âm nhạc dân tộc trong nhà trường để những em yêu thích sân chơi này có điều kiện tham gia. Điển hình như Trường THPT Phú Nhuận có hẳn câu lạc bộ Hồn Việt dành cho cả giáo viên và học sinh từ nhiều năm nay.

Hy vọng, với sự quan tâm của các ngành, các cấp, nhiều chương trình, nhiều câu lạc bộ âm nhạc dân tộc sẽ được diễn ra thường xuyên ở các trường học trên địa bàn thành phố, không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản, giới thiệu vẻ đẹp về âm nhạc dân tộc mà còn khơi dậy trong các em tình yêu dành cho những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của nước nhà.