Đồng hành hỗ trợ sinh viên

Không chỉ chuyển sang hình thức dạy học, tuyển sinh, họp trực tuyến do dịch Covid-19 kéo dài, nhiều trường đại học (ĐH) tại TP Hồ Chí Minh còn quyết định giảm học phí cho sinh viên (SV) để giảm bớt gánh nặng trong giai đoạn khó khăn chung.

Sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành.
Sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành.

Chia sẻ khó khăn

Trong hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mới đây, Trường đại học (ĐH) quốc tế Hồng Bàng đã quyết định giảm học phí cho toàn thể SV. Theo PGS,TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, mặc dù các cơ sở giáo dục ĐH cũng rất khó khăn do không có nguồn thu nhưng đây là cách cùng đồng hành và hỗ trợ SV. Cụ thể, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng thực hiện giảm học phí học kỳ II với mức tối đa là 20%. Mức giảm này áp dụng cho các SV đóng học phí trước ngày 25-3-2020. Những SV năm cuối đã đóng học phí thì lên trường nhận lại 20% số tiền đã thanh toán. Trường ĐH Văn Hiến cũng vừa ban hành chính sách hỗ trợ 20% học phí các môn học trực tuyến và 10% đối với các môn học ngoại tuyến cho tất cả SV đang theo học. Bên cạnh đó, 100% SV của trường cũng được hỗ trợ gói cước phí tốc độ cao để thuận lợi hơn trong việc học tập trực tuyến. Theo TS Lê Sĩ Hải, Giám đốc điều hành thường trực nhà trường, trong trường hợp các SV có hoàn cảnh khó khăn hoặc thiếu phương tiện học tập như không có điện thoại thông minh, máy tính xách tay sẽ được hỗ trợ mua trả góp hoặc cho mượn. Dự kiến Trường ĐH Văn Hiến cung cấp khoảng 100 máy tính bảng, điện thoại thông minh và máy tính xách tay cho SV học trực tuyến khi có nhu cầu. Tương tự, Trường ĐH Văn Lang cũng áp dụng chính sách hỗ trợ học phí học kỳ II. Cụ thể, trường giảm 20% học phí học phần học trực tuyến cho những SV đã đăng ký và tham gia lớp học. Với những học phần không dạy online và học phần không đăng ký học online, sinh viên năm cuối, nhà trường áp dụng mức giảm 10%. Hiện cơ sở giáo dục ĐH này đang đẩy mạnh các lớp học trực tuyến để SV tiếp tục cập nhật, bổ sung kiến thức do kỳ nghỉ phòng dịch kéo dài.

Bên cạnh việc bảo đảm cao nhất chất lượng các bài giảng trực tuyến thông qua hoạt động tập huấn kỹ càng, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) còn hỗ trợ mỗi SV 50.000 đồng cho việc tăng cường dung lượng tốc độ cao trên in-tơ-nét. Nhà trường đã tiến hành khảo sát những SV thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, gặp khó khăn về tài chính để xem xét hỗ trợ kinh phí. Trường cũng triển khai hình thức họp trực tuyến để bảo đảm an toàn cho giảng viên, cán bộ, công nhân viên trong suốt mùa dịch.

Dạy online, dời thời hạn tuyển sinh

Nếu như ban đầu chỉ là gửi bài tập để SV duy trì cảm giác học tập thì từ đầu tháng 3 đến nay, phần lớn các trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai nhiều chương trình giảng dạy, tư vấn tuyển sinh trực tuyến. Các bài giảng được thiết kế công phu với phần tương tác cao nhằm giúp SV nắm đủ kiến thức, làm đúng yêu cầu mà giảng viên đưa ra. Từ giữa tháng 3 đến nay, 100% SV của Trường ĐH Tân Tạo đã tham gia các lớp học trực tuyến với giảng viên trong nước và nước ngoài thông qua nhiều khung giờ khác nhau. Lịch học và chương trình từng môn được báo trước, mỗi buổi học đều có điểm danh. Giảng viên tại các quốc gia của trường này chấp nhận dạy ban đêm để phù hợp khung giờ sinh hoạt của SV trong nước. GS Thạch Nguyễn, Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Y nhà trường cho biết: SV tham gia các buổi học khá đầy đủ và tương tác khá tốt với giảng viên các bộ môn. Nhiều SV còn đến nhà giảng viên để hỗ trợ thiết kế buổi học sao cho phần thảo luận, bổ sung kiến thức được diễn ra thuận lợi, tránh những trục trặc về phần kỹ thuật, kết nối. Các kiến thức về y khoa tưởng chừng rất khó để giảng dạy trực tuyến nay được chuyển thể thành chương trình thảo luận khiến nhiều SV hào hứng tham gia hỏi - đáp, thực hành ngay tại nhà. Toàn bộ bài giảng trực tuyến sẽ được ghi lại và đăng tải trên trang web của trường để SV tải xuống nghe lại hoặc chọn làm tư liệu.

Đẩy mạnh giảng dạy, giao bài tập trực tuyến cũng là phương án mà Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh chọn lựa để ứng phó trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Bên cạnh đó, nhà trường còn chủ động thiết kế loạt chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục nhằm cập nhật những thông tin cần thiết cho thí sinh trên toàn quốc. Mới đây, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã công bố điều chỉnh thông tin xét tuyển ĐH năm 2020 nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Cụ thể, đối với phương thức xét tuyển học bạ THPT, trường bổ sung thêm hình thức xét tuyển học bạ ba học kỳ bên cạnh hình thức xét điểm học tập năm lớp 12 theo tổ hợp ba môn. Hình thức này được thực hiện song song với hình thức xét tuyển học bạ lớp 12 dành cho thí sinh đáp ứng điều kiện có tổng điểm trung bình năm lớp 12 theo tổ hợp ba môn đạt từ 18 điểm trở lên. Riêng đối với ngành dược, thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ cần đạt học lực giỏi năm lớp 12. Nhà trường tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo ba phương thức đã công bố trước đó là xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia, xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và kỳ thi đánh giá năng lực do trường tự tổ chức.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và sự thay đổi khung thời gian thi THPT quốc gia năm 2020, do đó Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mới đây đã thông báo dời thời gian tuyển sinh các ngành học năng khiếu lại khoảng một tháng so với dự kiến trước đây. Năm 2020, trường này tuyển sinh tám ngành có môn năng khiếu gồm: Kiến trúc; Thiết kế đồ họa; Thiết kế nội thất; Đạo diễn điện ảnh - truyền hình; Thanh nhạc; Pi-a-nô; Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình và Quay phim. Năm nay, dự kiến nhà trường vẫn giữ nguyên năm phương thức xét tuyển để đa dạng đầu vào của SV. Đó là, xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia; xét tuyển kết quả học bạ theo nhiều tiêu chí; thi tuyển đầu vào do trường tổ chức; xét tuyển kết quả bài thi kiểm tra đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.