Đóng góp quan trọng vào việc xây dựng đô thị thông minh

Những năm qua, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (CNS) đã đóng góp nhiều thành quả nghiên cứu, sản xuất, chế tạo của mình vào việc xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh. Đơn vị này đang được UBND thành phố tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Đề án xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM)…

Công viên phần mềm Quang Trung thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV là đơn vị cung cấp nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho cả khu vực. Ảnh CTV
Công viên phần mềm Quang Trung thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV là đơn vị cung cấp nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho cả khu vực. Ảnh CTV

Mới đây, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho CNS xây dựng và vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP Hồ Chí Minh. Trung tâm là một trong bốn trụ cột quan trọng (Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành ĐTTM; Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội; Trung tâm an toàn thông tin thành phố) của Đề án xây dựng ĐTTM. 

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV CNS Nguyễn Hoàng Anh cho biết, CNS có nhiệm vụ giám sát 24 giờ các ngày trong tuần, bảo đảm an toàn, an ninh mạng thông tin đối với các hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT), hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng, các ứng dụng và dịch vụ công trên nền tảng CNTT-TT, tiến tới là các hệ thống điều khiển công nghiệp cho các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND thành phố, các cơ quan trực thuộc bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Bằng các công cụ kỹ thuật và các biện pháp nghiệp vụ khác, CNS cũng giám sát hoạt động, thực hiện cảnh báo về các sự cố an ninh thông tin trong thời gian thực đối với các đơn vị doanh nghiệp cần bảo vệ. Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất khi có sự cố về an ninh thông tin cơ quan quản lý nhà nước. 

“Chúng tôi chủ động kết nối và thu thập các thông tin về tình hình an ninh thông tin trên in-tơ-nét, từ các đối tác, nhà cung cấp về các lỗi bảo mật, các thủ đoạn mới, các vũ khí mới, các nguy cơ tiềm ẩn được cảnh báo sớm bởi các tổ chức, đơn vị, chuyên gia nhằm thực hiện các hoạt động đánh giá định kỳ và đột xuất, phản ứng thích hợp trước và khi đang bị tiến công”, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh khẳng định. 

Theo báo cáo của CNS, tổng lợi nhuận giai đoạn 2015 - 2020 của đơn vị gần 1.678 tỷ đồng và CNS đã nộp ngân sách hơn 14.677 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân hằng năm giai đoạn 2015 - 2020 là 7%. 

Ở ngành điện tử - CNTT, bán dẫn, tự động hóa, từ năm 2015 đến 2019, CNS đã đầu tư 18,560 tỷ đồng cho các dự án thuộc ngành này (ước đầu tư năm 2020 là 98,21 tỷ đồng) nhằm xây dựng hệ sinh thái công nghiệp chíp thông qua các dự án công nghệ cao, góp phần nâng cao vai trò chủ đạo của đơn vị trong hợp tác và quy tụ các đối tác khác để thực hiện các dự án của thành phố thông minh. CNS tích cực hợp tác với các viện, trường đại học, các đối tác trong và ngoài nước để đầu tư nghiên cứu, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao, có hàm lượng chất xám lớn.

Đối với ngành hóa chất - cao-su, nhựa, giai đoạn 2015 - 2019, CNS đã đầu tư 122,94 tỷ đồng cho các dự án nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, tập trung vào các dự án đầu tư phát triển sản phẩm cao-su kỹ thuật cao như cao-su phục vụ may mặc, cừ bản nhựa uPVC. 

Đối với ngành cơ khí - chế tạo máy, CNS đầu tư 361,99 tỷ đồng để sản xuất thử nghiệm Tổ máy phát điện chạy bằng sức gió, nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà máy Cơ khí CNS, Nhà máy CNS Thạnh Phát, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất khuôn mẫu của Công ty TNHH CNS Amura Precision…

Yếu tố quan trọng giúp CNS góp phần ngày càng nhiều vào Đề án xây dựng ĐTTM là các dự án CNTT của Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) được đầu tư 196,50 tỷ đồng. CNS cũng đẩy mạnh tiến độ Khu Phần mềm thành phố - Nguyễn Kiệm và Công viên Phần mềm Quang Trung - Củ Chi với tên gọi “Công viên Khoa học công nghệ Quang Trung Củ Chi”. Triển khai các hoạt động phát triển chuỗi QTSC ở các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Tiền Giang, Thừa Thiên Huế, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp phần mềm và khởi nghiệp sáng tạo cũng như phát huy vai trò và thương hiệu ngành điện tử - CNTT, bán dẫn. 

Giám đốc QTSC Lâm Nguyễn Hải Long cho biết, tính đến nay, CNS đã đầu tư 12,21 tỷ đồng cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao như: Dự án Nhà máy chíp điện tử (vi mạch), dự án sản xuất Java card; dự án quản lý kho bằng công nghệ RFID; dự án vé điện tử sử dụng trên xe buýt; dự án sản xuất thử nghiệm hệ thống quản lý RFID-ICDRECT; dự án thẻ thông minh đa dụng thương hiệu CNS; dự án xây dựng tài liệu đặc tả Thẻ và SAM. Đồng thời, QTSC (thuộc CNS) đang tham gia dự án công nghệ cao của thành phố, qua đó góp phần tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp phần mềm và khởi nghiệp sáng tạo…

Tại QTSC, với gần 21 nghìn người đang học tập và làm việc, nơi đây đã thật sự trở thành điểm thu hút đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển trong ngành CNTT với những tên tuổi lớn trong và ngoài nước đang hoạt động như KDDI, SPS, TMA, Global CyberSoft, Vina Data, MISA. Các doanh nghiệp đã xây dựng và cung cấp hơn 250 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Các sản phẩm, giải pháp chủ yếu được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia, tập trung vào Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu. 

CNS và QTSC (thuộc CNS) đã thể hiện được năng lực trong tham gia dự án công nghệ cao của thành phố, vinh dự được lãnh đạo thành phố tín nhiệm giao tham gia vào hai trong bốn trụ cột quan trọng, góp phần vào Đề án xây dựng ĐTTM…