Đổi mới, sáng tạo là con đường đi lên

Với sứ mệnh là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh đang làm tất cả những gì có thể để tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Từ năm 2018, thành phố chọn đổi mới, sáng tạo là con đường đi lên. Đổi mới từ con người đến sáng tạo trong các chương trình đột phá…

Một góc thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TRUNG PHONG
Một góc thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TRUNG PHONG

Vượt khó đi lên

Trong lịch sử phát triển thành phố, đã có những thời điểm nền kinh tế thành phố rơi vào khó khăn. Những năm đầu giải phóng, dự trữ nguyên liệu của thành phố cạn kiệt, tình hình kinh tế ngày càng sa sút nghiêm trọng; sản xuất, dịch vụ xuống dốc; giá cả thị trường tăng liên tục; thiên tai xảy ra ba năm liền ở Nam Bộ... Lần đầu trong lịch sử, người dân Sài Gòn phải ăn độn bo bo, khoai,...

Trong muôn vàn khó khăn ấy, thành phố đã tìm ra những hướng đi mới với nhiều việc làm táo bạo như xóa bao cấp, thực hiện ba lợi ích, lương sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, trong đánh bắt cá ngoài biển, cải tạo công thương nghiệp, hợp doanh, nhập khẩu nguyên liệu, khôi phục các ngành thủ công nghiệp…

Nhờ kiên trì bám sát thực tiễn, năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm và được Trung ương hỗ trợ, TP Hồ Chí Minh đã vượt qua giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp; giữ vững chính quyền, hình thành quan hệ sản xuất mới, ổn định và duy trì sản xuất trong bối cảnh đất nước bị đe dọa bởi chiến tranh biên giới. Mức tăng trưởng kinh tế của thành phố từ 2,18%/năm của giai đoạn 1976 - 1980 đã đạt 8,17%/năm trong giai đoạn 1980 - 1985; thu ngân sách địa phương năm 1985 gấp 43 lần so với năm 1980.

Ðại hội VI của Ðảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Ðây là kim chỉ nam để từ đây thành phố cùng cả nước chấm dứt cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, tiến hành đổi mới, đưa thành phố "cùng cả nước, vì cả nước" bước vào thời kỳ lịch sử mới.

Với tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, người dân, doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố liên tục tăng trong sáu năm liền, từ 9,5% năm 2001 lên 11,6% năm 2004, 12,2% năm 2006 và 12,6% năm 2007. Cùng với
đà tăng trưởng kinh tế nhanh, mức sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Ðến nay, thành phố đã đóng góp khoảng một phần ba giá trị sản xuất công nghiệp, 20% kim ngạch xuất khẩu và 20% quy mô kinh tế của cả nước, 30% trong tổng thu ngân sách quốc gia.

Khắc phục những bất cập

Ðiểm lại những con số để hiểu thêm ý nghĩa của bốn chữ "đổi mới sáng tạo" mà thành phố đang quyết tâm thực hiện. Kinh tế thành phố dù có phát triển nhưng chưa bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây đã giảm, thấp hơn nhiều so với các giai đoạn trước (2001 - 2007); sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế dù đi theo định hướng chiến lược của thành phố (năm 2017 cơ cấu GRDP khu vực dịch vụ: 58,34%; khu vực công nghiệp - xây dựng: 24,78%, nông nghiệp 0,81%), nhưng sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế nội ngành còn chậm, nhất là chuyển dịch của các ngành công nghiệp và dịch vụ có hàm lượng khoa học, chất xám cao. Bản thân các yếu tố đầu vào chưa được tái cấu trúc hiệu quả theo mô hình siêu đô thị (thí dụ đất đai cho sản xuất và dịch vụ đã giới hạn ở các khu trung tâm, tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng), và cơ sở hạ tầng chưa phát triển tương xứng với quy mô kinh tế; kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường đang trở thành những vấn nạn kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế của thành phố.

Nhận ra những bất cập ấy, Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 10 đã đặt ra một nhiệm vụ: nếu không hoàn thiện, thay đổi trong quản lý, điều hành, tổ chức, nhiều mục tiêu sẽ không đạt được. Từ đây, bảy chương trình đột phá được đặt ra và quyết tâm thực hiện. Ðó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố; giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giảm ô nhiễm môi trường; chỉnh trang và phát triển đô thị. Sau hai năm rưỡi thực hiện, lãnh đạo thành phố đánh giá, bên cạnh mặt làm được, còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó nổi lên là tính kết nối, liên thông và trách nhiệm công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; buộc thành phố phải thay đổi.

Thể hiện rõ nhất của việc thiếu liên thông, đồng bộ là chương trình "giảm ngập nước" của thành phố. Mặc dù hằng năm, thành phố đã chi hàng nghìn tỷ đồng để triển khai các giải pháp công trình và phi công trình cho lĩnh vực này. Song chỉ một cơn mưa lớn, kéo dài cũng khiến cho thành phố bị ngập nặng ở nhiều nơi, đời sống của người dân bị xáo trộn. Hay trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, mặc dù ngành giao thông vận tải đã có nhiều cố gắng nhưng nhiều công trình trọng điểm mang tính động lực, triển khai ì ạch, chậm tiến độ, đường càng mở càng kẹt xe.

Sáng tạo là nền móng cho sự bứt phá

Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định rằng, thành phố phải sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, phát huy truyền thống để phát triển. Các khó khăn của thành phố sẽ giải quyết được nếu thật sự phát huy được truyền thống sáng tạo sẵn có. Không sáng tạo là tụt hậu. Bên cạnh đó, cần tổng kết các mô hình sáng tạo và bài học về sáng tạo trong mấy chục năm vừa qua, đặt hàng tập hợp tổng kết các mô hình, bài học sáng tạo của thành phố và kiến nghị các nội dung cần vận dụng.

Ðồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HÐND thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, muốn sáng tạo, thành phố phải đổi mới cơ chế. Cái gì khó mấy cũng có lối ra. Quan trọng là cán bộ phải sát cơ sở, lắng nghe, cầu thị góp ý của người dân.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) hiến kế, từ thành công của Xin-ga-po, TP Hồ Chí Minh có thể rút ra bốn bài học: Một là, cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hai là, có cơ chế, chính sách thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với cuộc sống. Ba là, không ngừng nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền, xây dựng một nền quản trị năng động. Bốn là, cần quy hoạch hạ tầng đô thị gắn với liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Từ những đóng góp của các nhà khoa học, người đứng đầu thành phố khẳng định, thành phố sẽ gặp gỡ định kỳ, lắng nghe các nhà khoa học và doanh nghiệp đóng góp kiến nghị và giải pháp cho thành phố. Thành phố cũng sẽ cân nhắc lên kế hoạch, xác định những vấn đề cần giải quyết; có kế hoạch, lộ trình từng năm nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để tạo đột phá.