Đổi mới hoạt động lý luận phê bình văn học, nghệ thuật

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất có Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, quy tụ được nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu, chuyên gia đầu ngành có năng lực chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, trước những yêu cầu trong thời kỳ mới, Hội đồng cần đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tích cực xây dựng, phát triển nền văn học nghệ thuật thành phố và cả nước.
Các chương trình có nội dung về lý luận phê bình văn học, nghệ thuật trên truyền hình ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng.
Các chương trình có nội dung về lý luận phê bình văn học, nghệ thuật trên truyền hình ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng.

Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã tập trung mọi nguồn lực cho các hoạt động văn học nghệ thuật theo hướng dân tộc, cách mạng, tiến bộ; góp phần xây dựng nhân cách, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đa dạng, phong phú ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố phát triển cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình. Nhiều tác phẩm văn học mới ra đời, nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, nhiều tác phẩm kiến trúc, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc và các công trình nghiên cứu lý luận văn hóa, văn học nghệ thuật... đã tạo dấu ấn. Qua đó, cho thấy quyền tự do sáng tạo và điều kiện hoạt động của văn nghệ sĩ thành phố được bảo đảm và được quan tâm đầu tư.

Từ đầu năm đến nay, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật thành phố đã có nhiều hoạt động đáng chú ý như: tham mưu tổ chức cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Bí thư Thành ủy với lãnh đạo Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư và Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật thành phố; tổ chức khảo sát về đời sống và điều kiện hoạt động nghề của văn nghệ sĩ thành phố; tiếp tục triển khai cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020… Đáng chú ý, chương trình Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật tiếp tục đến với khán giả trên Đài Truyền hình thành phố bằng những chuyên đề cụ thể, bám sát đời sống văn học nghệ thuật của thành phố như: Dòng chảy văn học nghệ thuật người Hoa tại TP Hồ Chí Minh; Hủy bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975: Những vấn đề cần lưu ý; Sân khấu thành phố hôm nay: giải pháp đầu tư và quảng bá; Kết quả xã hội hóa trong sáng tác và sản xuất phim truyện tại TP Hồ Chí Minh; Ảnh báo chí thời 4.0… Nhằm tăng tính tương tác với công chúng, từ tháng 8-2019, Hội đồng đã lập fanpage, tạo sự kiện chương trình, lập Facebook và tạo kênh trên Youtube “Chương trình Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh”. Đây là bước đi mới của Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật thành phố để đưa hoạt động lý luận văn học nghệ thuật vào đời sống, đến gần hơn với công chúng trẻ.

Tuy nhiên, hiện nay, thị hiếu tiếp nhận tác phẩm văn học, nghệ thuật của công chúng nói chung có xu hướng ngày càng phân hóa mạnh mẽ, xuất hiện sự đan xen phức tạp giữa thị hiếu lành mạnh, tiến bộ với xu hướng hiếu kỳ, a dua, nhận thức và thẩm mỹ lệch lạc,… Sự phức tạp đó đang tác động hằng ngày, hằng giờ lên đời sống tinh thần của người dân thành phố. Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên cho rằng, thời gian qua, công tác tư tưởng trong lĩnh vực văn hóa vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều chương trình giải trí không có tính thẩm mỹ, giáo dục xuất hiện ngày càng nhiều trên sóng truyền hình đã ảnh hưởng không tốt đến đời sống tinh thần của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Trong khi đó, những tác phẩm nghệ thuật cách mạng vẫn chưa được tuyên truyền rộng rãi như mong muốn. Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố nhận xét, mặc dù có nhiều hoạt động thiết thực, nhưng hiệu quả công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật vẫn chưa cao. Những diễn đàn về văn học nghệ thuật hiện nay phần lớn là người trong nghề nói với nhau. Tuy đóng vai trò là một bộ phận quan trọng trong văn học nghệ thuật, nhưng công tác lý luận phê bình đi vào đời sống vẫn còn mờ nhạt, chưa tạo được sức lan tỏa. Thời gian tới, công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật cần thay đổi phương thức hoạt động bằng cách tăng cường đối thoại với người dân.

Một trong những hạn chế trong hoạt động văn học nghệ thuật thành phố hiện nay chính là thiếu những nhà quản lý nghệ thuật có chuyên môn, am hiểu về từng chuyên ngành mà mình phụ trách. Sự cố tác phẩm bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí là một thí dụ điển hình cho thấy nếu chỉ nhiệt tình mà không có chuyên môn, am hiểu về nghệ thuật thì sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Mặt khác, theo nhà phê bình Lê Quang Trang, văn học nghệ thuật thành phố hiện nay thiếu những tác phẩm đỉnh cao. Vì thế, công tác lý luận phê bình cần phải thực hiện tốt vai trò tham mưu để thành phố có những chính sách, giải pháp nhằm đào tạo đội ngũ nhà quản lý nghệ thuật có tâm, có năng lực, khơi dậy được sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để cho ra đời những tác phẩm xứng với tầm vóc của một thành phố lớn.

Trước thực tế nêu trên, công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật cần có những hướng đi mới đáp ứng kịp thời tình hình hiện nay. Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật thành phố cho biết, thời gian tới, Hội đồng sẽ củng cố, tăng cường liên kết với các đơn vị liên quan để hoạt động văn hóa thành phố có sự chuyển biến mạnh mẽ. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng chuyên đề “Góc nhìn văn hóa” trên các phương tiện truyền thông đại chúng để đối thoại với người dân, văn nghệ sĩ… về những vấn đề văn hóa thời sự, cấp thiết.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật tiếp tục phát huy vai trò tham mưu của mình, cần có những kiến nghị với thành phố để xây dựng đề án phát triển văn hóa thành phố trong 10 năm tới, chú ý đến việc hình thành hệ sinh thái văn hóa của thành phố. Đồng thời, Hội đồng cần phối hợp các ban, ngành khảo sát đời sống văn hóa của người dân thành phố, từ đó rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các hội, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, tạo tiền đề để xây dựng thành phố văn hóa trong tương lai.