Doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở nước ta. TP Hồ Chí Minh đang quyết liệt vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đã chủ động lên kịch bản để ứng phó với khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Nhờ chủ động chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, Công ty cổ phần Phúc Sinh vẫn hoạt động hiệu quả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nhờ chủ động chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, Công ty cổ phần Phúc Sinh vẫn hoạt động hiệu quả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Vừa giới thiệu dòng sản phẩm cà-phê  mới đến người tiêu dùng, vừa trả lời đối tác và kiểm tra lô hàng chuẩn bị tung ra thị trường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh Phan Minh Thông luôn tất bật với công việc. “Dịch Covid-19 khiến công ty bị ảnh hưởng không nhỏ do các đơn hàng xuất khẩu ngưng trệ. Ai cũng khó khăn, chúng tôi phải tìm cách xoay chuyển, tìm cơ hội trong gian khó”, ông Thông tâm sự.

Tháng 4-2020, Phúc Sinh “chào sân” với trà làm từ vỏ cà-phê, vốn là phế phẩm thường vứt đi sau khi lấy hạt. Cuối tháng 7 vừa qua, DN này tiếp tục tung ra thị trường sản phẩm mới về cà-phê. Tất cả được chăm chút từ chất lượng đến mẫu mã, trở thành món quà tặng sang trọng chứ không chỉ đơn thuần là gói cà-phê pha - uống. “Thay vì chú trọng xuất khẩu, nay chúng tôi chuyển hướng tập trung vào thị trường trong nước. Ngoài việc luôn bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, chúng tôi còn tập trung vào khâu thiết kế mẫu mã, bao bì nhằm tạo sự hứng thú, thấy sản phẩm là muốn mua từ khách hàng”, ông Thông cho biết. Nhờ vậy, Phúc Sinh đã nhận được nhiều đơn hàng, là minh chứng của việc “trở mình thành công” trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp của DN này.

Nằm trong tốp đầu các DN xuất khẩu trái cây của nước ta sang những thị trường khó tính, Công ty Vina T&T Group luôn chú trọng cải tiến công nghệ bảo quản trái cây lên tới 45 ngày, nâng cao chất lượng sản phẩm để nông sản Việt Nam vẫn có chỗ đứng ở bất kỳ thị trường nào, bất kể hoàn cảnh khó khăn ra sao. “Ðơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Ô-xtrây-li-a, châu Âu... của DN chúng tôi vẫn rất thuận lợi. Ðiều chúng tôi lo là nếu giãn cách xã hội lần nữa sẽ gây khó khăn cho việc nhập hàng, xuất hàng”, Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Ðình Tùng cho biết.

Trong cái khó, ló cái khôn, Vina T&T Group đã đẩy mạnh hoạt động cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán trái cây tại TP Hồ Chí Minh. Nếu trước đây cửa hàng chủ yếu giới thiệu, chào hàng sản phẩm mới thì trong lúc dịch Covid-19, nơi đây trở thành địa điểm mua hàng quen thuộc của người dân thành phố. “Không chỉ bán tại chỗ, chúng tôi còn đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online), giao tận nơi. Trái cây tươi sạch, đạt chuẩn xuất khẩu đi Mỹ đã đến tay người tiêu dùng trong nước. Chúng tôi đang đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, sắp tới sẽ mở thêm một cửa hàng trái cây xuất khẩu thứ hai tại TP Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Ðình Tùng chia sẻ…

Không ít DN cho rằng, lúc này, chuyện lời lãi không quan trọng bằng việc tồn tại. Do vậy, họ tìm nhiều cách chuyển hướng, sản xuất, kinh doanh thứ khách hàng cần, chứ không chỉ bán cái mình có như trước. Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Nam Thái Sơn Trần Việt Anh nhìn nhận, lúc này, nhiều nước đang tập trung vào mặt hàng y tế, còn các mặt hàng xa xỉ, quần áo lại hạn chế, dẫn đến sức mua giảm. DN cần tập trung sản xuất những mặt hàng có thể bán được, thật sự thiết yếu. DN nên xác định tâm thế không có lời nhưng không để lỗ. Hiện nay, Công ty Nam Thái Sơn đang tập trung sản xuất các sản phẩm mà người dân dùng nhiều hằng ngày như bao bì, găng tay, túi đựng rác.

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cho biết, kế hoạch của các DN dệt may lúc này là kéo dài thời gian sản xuất, tìm thêm đơn hàng để duy trì sản xuất. Dù thu nhập lao động có thể giảm nhưng DN vẫn phải duy trì sản xuất, cố gắng có đơn hàng dù nhỏ để bảo đảm cho người lao động có việc làm, có thu nhập.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng cho rằng, các DN phải tự lên kế hoạch duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, tìm đơn hàng mới, thay đổi sản phẩm để tồn tại. Những minh chứng về việc phát triển sản phẩm mới, dịch vụ mới của cộng đồng DN trong khó khăn chồng chất do dịch Covid-19 gây ra cho thấy, DN nào nỗ lực hết mình, luôn tìm khe sáng phía trước để tiến lên thì DN đó sẽ có nhiều cơ hội để tồn tại và nhiều động lực phục hồi mạnh mẽ khi đại dịch Covid-19 lùi dần.