Doanh nghiệp giúp nhau vượt khó

Gần hai tháng dịch Covid-19 xuất hiện, hầu hết các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đều gặp nhiều khó khăn trong nhiều ngành nghề. Trước tình hình đó, không những đi tìm lối thoát cho chính mình, nhiều DN còn chủ động tương trợ cho DN khác cùng duy trì sản xuất.

Vượt khó trong dịch Covid-19, Công ty Saigon Food tăng cường các đơn hàng mở rộng, phát triển thị trường sang Nhật Bản.
Vượt khó trong dịch Covid-19, Công ty Saigon Food tăng cường các đơn hàng mở rộng, phát triển thị trường sang Nhật Bản.

Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương (quận 2) vốn là DN chuyên cung cấp suất ăn cho các trường học tại TP Hồ Chí Minh, nhưng do dịch Covid-19, trường học tạm đóng cửa, công ty bị ảnh hưởng rất nhiều. Đơn vị này liền thay đổi phương thức kinh doanh bằng cách liên hệ và đưa thực phẩm đến các bếp ăn tập thể của một số công ty, cơ quan, công sở; đồng thời nắm bắt tâm lý hạn chế đi chợ hay siêu thị mua sắm của các bà nội trợ, công ty chào bán sản phẩm đến từng gia đình, khu chung cư, giao thức ăn dạng com-bo… đến khách hàng. Sản phẩm giao trực tiếp, giảm bớt khâu trung gian để giữ được mức giá hợp lý. Với chiến lược bán hàng như vậy phần nào giúp công ty vượt qua những khó khăn nội tại. “Tuy lượng hàng khách đặt chưa nhiều, nhưng những khó khăn trước mắt đã mở ra cho công ty một hướng đi khác. Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác lại mở ra, hy vọng có thể mang đến cơ hội tốt hơn cho DN” - Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương Nguyễn Thị Lệ Trang kỳ vọng.

“Trong nguy cơ có cơ hội” là nhận định của Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm. Theo bà Lâm, do lo ngại dịch, người dân có xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến như cơm chiên, bún miến; trẻ em nghỉ học ở nhà cũng giúp cho sản phẩm cháo dinh dưỡng ăn liền tăng doanh số. So với cùng kỳ năm 2019, lượng cháo bán ra đã tăng gấp đôi. “Bên cạnh đó, đơn hàng gia công cho đối tác Nhật Bản cũng tăng. Nếu hoạt động sản xuất của công ty tốt, sẽ kéo theo các nhà cung cấp nguyên liệu, bao bì… cũng ổn định đầu ra. Dù nguyên liệu đầu vào tăng giá nhưng sản phẩm bán ra vẫn giữ nguyên giá, điều này giúp người tiêu dùng yên tâm mua sắm” - bà Thanh Lâm chia sẻ.

Công ty TNHH Pouchen (quận Bình Tân) có hơn 60.000 lao động, đơn vị sản xuất khoảng 5 triệu đôi giày xuất khẩu/tháng. Nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Do tình hình dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều nguồn nguyên liệu sản xuất của công ty. Trước tình hình này, công ty chuyển sang tăng cường tìm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế, như các loại vải lưới, vải da, vải nhân tạo… Đồng thời, công ty tìm nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác. Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouchen Kim Vĩnh Cường chia sẻ: “Để duy trì ổn định việc làm cho người lao động và bảo đảm sản xuất, công ty thay thế các nguồn nguyên liệu của các nhà cung cấp khác từ Hàn Quốc, Nhật Bản… thay thế nguồn nguyên liệu Trung Quốc. Chúng tôi ưu tiên chọn nguồn nguyên liệu trong nước thay cho nguyên liệu đang thiếu hụt hiện nay”…

Mặc dù ngành dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu, trong hoàn cảnh đó, tinh thần “lá lành đùm lá rách” được thể hiện. Một số DN đã liên kết bắt tay nhau, hỗ trợ nguyên phụ liệu, qua đó có được đơn hàng thay thế từ các đối tác mới là DN FDI, sử dụng 100% nguyên liệu trong nước. “Khó khăn trong giai đoạn ngắn sắp tới sẽ được giảm nhẹ nhờ nguồn hàng từ DN trong nước. Hiện chúng tôi cũng chủ động liên hệ với các đối tác khác để xem xét nguyên liệu tương đương có thể thay thế. Qua đó, cùng bắt tay hỗ trợ nhau, dù lợi nhuận có thể không cao như trước đây nhưng sẽ không bị động, đứt nguồn hàng nếu chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ một nước” - đại diện một DN da giày ở quận Thủ Đức bộc bạch.

Để hỗ trợ DN vượt khó, Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh (Agtex) vừa tổ chức bàn cách giúp nhau vượt khó. Thông qua sự giới thiệu của hội, một số DN đã ký hợp đồng cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn số lượng lớn cho Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và hệ thống Pharmacity. Hay Công ty TNHH May mặc Thành Đạt (quận 12) đang cố gắng “chia nhỏ” đơn hàng cho những DN nhỏ hơn để cùng nhau duy trì sản xuất. Phó Chủ tịch Agtex Phạm Xuân Hồng cho biết: Tinh thần chung là hội viên nào dư dả đơn hàng thì san sẻ với những DN đang thiếu. Tuy nhiên ông Hồng cũng nhìn nhận việc thực hiện không dễ bởi phần lớn DN may mặc Việt Nam đều làm hàng gia công, muốn đưa ra ngoài gia công thêm một lần nữa thì phải được đơn vị mua hàng đồng ý. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng tư vấn: “DN trong nước cần liên kết, hỗ trợ nhau bằng cách mua hàng hóa, hỗ trợ nguyên liệu, mặt bằng của nhau... để vượt qua khó khăn. Về lâu dài, DN nên tái cấu trúc để thoát khỏi sự lệ thuộc vào một thị trường, đồng thời tận dụng những thời cơ của đất nước thời điểm này để bứt phá vươn lên, thay thế sản phẩm và mở rộng thị trường”.

Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên khẳng định: “Thành phố đang có nhiều chương trình hỗ trợ vốn kích cầu cho DN. Cụ thể, DN được hỗ trợ lãi suất khoảng 7%, còn lại DN chỉ phải trả 2% lãi suất vay, vốn vay có thể hơn 200 tỷ đồng/dự án, thời hạn hỗ trợ vốn vay kéo dài tới bảy năm”. Theo ông Kiên, các chương trình hỗ trợ DN như chương trình hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, mở rộng diện tích nhà xưởng tại những khu chế xuất, khu công nghiệp cũng đang được triển khai.