Dẹp nạn tín dụng đen

Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị tại TP Hồ Chí Minh phải vào cuộc nhằm ngăn chặn kịp thời.

Thủ đoạn tinh vi

Theo Thượng tá Phạm Ðình Ngọc, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp, lan rộng đến các quận, huyện vùng ven. Sáu tháng đầu năm 2019, công an thành phố đã bắt gần 1.000 đối tượng cho vay nặng lãi. Trong số này có hơn một nửa số đối tượng đến từ các tỉnh phía bắc. Hiện, địa bàn thành phố có 77 công ty đòi nợ thuê, trong đó 46 công ty đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Ðứng sau các công ty này phần lớn là đối tượng xã hội đen. Các đối tượng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi như: thông qua mạng viễn thông, in-tơ-nét, tạo vỏ bọc qua các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, cầm đồ, dịch vụ đòi nợ, cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính với lãi suất rất cao, từ 100 đến 300%, thậm chí có nơi 700%/năm để thu lời bất chính; gắn liền với các hoạt động đòi nợ, chiếm đoạt tài sản, gây mất an ninh trật tự xã hội. Khi người vay tiền không có khả năng chi trả rồi bỏ trốn, người cho vay tiền sẽ khủng bố người thân, bạn bè cho đến khi người vay xuất hiện để trả nợ tiếp mới thôi.

Ðiển hình, mới đây Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố điều tra vụ án "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong vụ án này, các đối tượng đã cho người dân vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 1.600%/năm; tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều thực hiện thông qua mạng in-tơ-nét và điện thoại di động. Thủ đoạn của một số đối tượng người nước ngoài là lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng (app) để cho vay tiền trực tuyến, điển hình như ứng dụng "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online" đã bị công an triệt phá. Ðây là thủ đoạn hoàn toàn mới, tinh vi, là biến tướng của loại tội phạm cho vay "tín dụng đen", cần được tập trung ngăn chặn.

Tại hội thảo chuyên đề "Nhận diện và giải pháp phòng ngừa, đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen" do Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp 478 và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Ban công tác mặt trận khu phố 11, phường 3, quận Gò Vấp cho biết, từ đầu năm đến nay khu phố của ông đã xảy ra bốn vụ đòi nợ theo kiểu xã hội đen, băng đòi nợ kéo tới một số khu nhà trọ đập phá tài sản, gây rối khiến bà con bất an. Ngay cả cán bộ khu phố cũng bị những kẻ đòi nợ nhắn tin hăm dọa. Những người này đều từ địa phương khác đến.

Tại quận 10, Công an thành phố đã phát hiện một cửa hàng có hoạt động cho vay lãi nặng. Khách hàng của đường dây này khá đông, chủ yếu là người lao động nghèo, phải đóng lãi rất cao.

Thực hiện nhiều giải pháp

Ðể ngăn chặn hoạt động tín dụng đen đạt hiệu quả cao, Thượng tá Phạm Ðình Ngọc cho rằng, thành phố cần giải pháp về nguồn vốn cho vay dễ dàng; triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng; tăng cường tín dụng trong nông nghiệp nông thôn… Ngoài ra, chính quyền cấp cơ sở cần phối hợp ngành ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; hỗ trợ ngành ngân hàng trong quá trình xác minh nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng, cấp bách của người dân, cũng như quá trình theo dõi, thu hồi nợ vay nhằm hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Gò Vấp Nguyễn Thị Duyên lấy một thí dụ điển hình khi người dân tiếp cận được với các chương trình tín dụng sẽ đẩy lùi được tín dụng đen. Cụ thể, tại Hội Liên hiệp Phụ nữ quận có hai chị hội viên vay tiền của tín dụng đen, phải trả lãi rất cao. Nắm được tình hình, hội đã huy động một số nguồn vốn để hai hội viên này trả dứt điểm cho tín dụng đen. Sau đó, hai chị được giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết khó khăn. Bà Duyên cho rằng, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, từ các quỹ hỗ trợ người nghèo sẽ giúp đẩy lùi nạn tín dụng đen đang hoành hành.

Ðại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 12 cho biết, các thủ tục vay vốn hiện còn kéo dài và trình tự giải quyết phức tạp khiến nhiều chị em tìm đến các đường dây vay tín dụng đen cho đỡ mất thời gian. Bà kiến nghị, thành phố cần có chính sách nhằm rút ngắn thời gian giải ngân và tạo điều kiện thuận lợi cho chị em tiếp cận nguồn vay dễ hơn.

Ðồng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Triệu Lệ Khánh kiến nghị, hệ thống MTTQ và các hội, đoàn thể cần nhận diện được nhu cầu vay vốn của người dân cũng như các phương thức, thủ đoạn của hoạt động tín dụng đen, từ đó có giải pháp thích hợp để vận động, tuyên truyền. MTTQ và các đoàn thể cũng cần tạo được niềm tin cho nhân dân để họ sẵn sàng tố giác tội phạm và công an có cơ chế bảo vệ an toàn cho người dân, kể cả người trong cuộc đang vay tiền.

Nhiều ý kiến cho rằng, Công an thành phố cần kiến nghị Bộ Công an khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự, xử lý tội phạm hoạt động tín dụng đen với những chế tài cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn để hạn chế những vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Ðồng thời, các tổ chức chính trị xã hội cần tiếp tục phối hợp ngành ngân hàng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách về vốn vay để hỗ trợ người dân trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…