Để thu hút nhiều hơn các dự án công nghệ cao

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng gay gắt, TP Hồ Chí Minh cần tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án FDI có hàm lượng chất xám, khoa học, công nghệ cao (CNC). Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để kinh tế thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Công nhân đang lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh).
Công nhân đang lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh).

Tính đến cuối năm 2018, thu hút FDI (tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp (DN) trong nước), TP Hồ Chí Minh đã thu hút được 7,63 tỷ USD, tăng 15,59% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, đã cấp mới cho 1.060 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 811 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 224 dự án với tổng số vốn 835 triệu USD; chấp thuận cho 2.283 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp DN trong nước với vốn góp đăng ký tương đương gần sáu tỷ USD. Qua đó, nâng tổng vốn FDI kể cả cấp mới và tăng vốn còn hiệu lực trên địa bàn thành phố đến nay là 44,94 tỷ USD với 8.112 dự án.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm nhìn nhận, các DN FDI đóng vai trò là một trong những nguồn động lực chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời là nguồn vốn quan trọng phát triển các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Các DN FDI cũng đã chuyển giao nhiều công nghệ sản xuất tiên tiến nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, giúp kinh tế thành phố chuyển dịch phù hợp với sự ra đời và phát triển của kinh tế tri thức.

Trong những năm qua, thành phố đã chú trọng thu hút các dự án CNC và là địa phương đi đầu cả nước trong việc quy hoạch thành lập hai khu vực riêng biệt để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Đó là Khu CNC thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) và Khu Công viên phần mềm Quang Trung. Thành phố cũng đã thành lập Khu Nông nghiệp CNC để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chỉ tính riêng SHTP, tổng giá trị các dự án CNC có vốn FDI đạt gần sáu tỷ USD, chiếm 12% tổng vốn FDI của thành phố, chưa kể các dự án CNC khác. Năm 2018, giá trị sản xuất sản phẩm CNC của SHTP đạt 14,160 tỷ USD, tăng 125% so với năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 13,21 tỷ USD. Các DN hoạt động trong SHTP đóng góp ngân sách 283 triệu USD vào năm 2018, tăng 67% so với năm 2017. Theo Ban Quản lý SHTP, một lao động ở SHTP tạo ra giá trị sản xuất trong một năm khoảng 300 nghìn USD; trong khi đó, tính chung trên phạm vi cả nước, một lao động ở các khu công nghiệp (KCN) chỉ tạo ra giá trị sản xuất bình quân khoảng 20 nghìn USD/ năm.

Thực tế cho thấy, TP Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều dự án lớn, song vẫn chưa kêu gọi được nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở điều hành tại Việt Nam nói chung và tại thành phố nói riêng. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường quỹ đất cho công nghiệp làm cơ sở để thu hút vốn FDI. Thành phố cũng thành lập tổ công tác để thực hiện khảo sát làm rõ hiện trạng sử dụng đất, việc kết nối hạ tầng và tham mưu hướng xử lý 1.000 ha đất dự kiến bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Trong phương án mở rộng các KCN, thành phố cũng tính đến việc xây dựng các KCN mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp DN ứng dụng CNC và hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo.

Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh chưa khai thác hết tiềm năng vốn có và còn nhiều dư địa để thu hút các dự án đầu tư có giá trị kinh tế cao, nhất là các dự án đầu tư có hàm lượng chất xám, khoa học CNC. GS, TS Nguyễn Thị Cành (Trung tâm nghiên cứu Kinh tế - Tài chính, Trường đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế có tiềm lực về khoa học, vì vậy thành phố cần đi tiên phong trong cả nước để có chính sách đột phá đầu tư về khoa học - công nghệ, khuyến khích thu hút những dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Đây cũng là biện pháp phát triển theo hướng bền vững và đưa thành phố thật sự trở thành trung tâm khoa học, CNC của vùng và cả nước, kể cả của Cộng đồng kinh tế ASEAN trong tương lai”.

Cũng theo GS, TS Nguyễn Thị Cành, thành phố cần dứt khoát với các dự án đầu tư sử dụng lao động nhân công giá rẻ, ưu tiên cho các dự án đầu tư CNC để tránh “cuộc đua xuống đáy về lao động giá rẻ” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Trên phương diện quản lý, thành phố cần vạch ra một mô hình kinh tế có cơ cấu ngành dịch chuyển theo hướng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, phân bổ nguồn lực hợp lý, đặc biệt là cho các ngành CNC. Cần có chính sách đột phá đầu tư về khoa học - công nghệ bằng cách tạo môi trường cho thị trường khoa học - công nghệ phát triển.

Cùng với đầu tư đổi mới khoa học - công nghệ, thành phố cũng cần có biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực khoa học, gắn khoa học với DN, đưa ra các chính sách kích thích phát triển thị trường công nghệ thông qua các chính sách kích cầu.