Để ngân hàng phục vụ doanh nghiệp, người dân tốt hơn

Thời gian qua, ngành ngân hàng nói chung và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nói riêng có nhiều bước tiến đáng kể về đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục giao dịch tín dụng. Tuy nhiên, so với yêu cầu của người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), ngành ngân hàng cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính.
Người dân giao dịch tại một ngân hàng thương mại ở TP Hồ Chí Minh.
Người dân giao dịch tại một ngân hàng thương mại ở TP Hồ Chí Minh.

Nhiều bước tiến đáng mừng

TP Hồ Chí Minh là địa phương triển khai tích cực việc cải cách hành chính trong lĩnh vực ngân hàng nhằm hỗ trợ DN tăng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng. Điển hình là việc triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Chương trình này được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, giúp hàng chục nghìn DN và hộ kinh doanh có được nguồn vốn với chi phí hợp lý để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng giúp kinh tế thành phố duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liền.

Một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã có những cải tiến lớn trong quy trình, thủ tục giải quyết các giao dịch với khách hàng. Đến nay, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã giảm, miễn nhiều loại phí thông dụng; rút ngắn thời gian cấp tín dụng từ hai đến 11 ngày (ở chi nhánh), từ ba đến sáu ngày (ở hội sở)… Mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đã đưa vào sử dụng phần mềm khởi tạo, phê duyệt và quản lý cấp tín dụng LOS, giúp chuẩn hóa hồ sơ, dữ liệu khách hàng, tăng tính bảo mật, giảm chứng từ giấy, giảm thời gian xử lý và phê duyệt các giao dịch tín dụng…

Phần lớn các NHTM đã triển khai ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại như: Ngân hàng lõi, in-tơ-nét banking, mobile banking, thanh toán bằng quét mã QR… Các đơn vị tích cực tham gia thu thuế (thu ngân sách) hộ ngành thuế và ngành hải quan với nhiều hình thức linh hoạt, qua đó giúp người nộp thuế tiết kiệm thời gian, công sức đi lại…

Theo NHNN, từ năm 2015 đến nay, NHNN luôn nằm trong nhóm dẫn đầu các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính. Chỉ số “Tiếp cận tín dụng” ngày càng tăng: Năm 2018, chỉ số này của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29 trong số 190, tăng ba bậc và đứng thứ tư trong khu vực ASEAN. Từ năm 2016 đến nay, NHNN đã cắt giảm 100 thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục và điều kiện vay vốn, đơn giản hóa 80 trong số 257 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý ở lĩnh vực này. Nhờ vậy, các NHTM mạnh dạn hơn trong việc giải quyết nhu cầu vay vốn tạo thuận lợi hơn cho DN và người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng hợp pháp.

Hướng đến ngân hàng trực tuyến

Theo PGS, TS Trần Huy Hoàng (Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Tài chính - Ma-két-ting), để tồn tại và phát triển được trong thời đại kỹ thuật số, các NHTM bắt buộc phải “làm mới” mình, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số để tối ưu hóa mối quan hệ với khách hàng. Không chỉ làm giảm chi phí mà kỹ thuật số còn giúp ngân hàng tăng cường khả năng tương tác với khách hàng. Muốn vậy, ngân hàng phải không ngừng cải tiến, thay đổi thủ tục giao dịch để có thể phát triển bền vững.

TS Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc (Khoa Ngân hàng - Trường đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh - BUH) cho rằng, các NHTM cần hiện đại hóa công nghệ để toàn bộ dịch vụ được cung cấp trực tuyến, qua đó giảm được đáng kể thời gian cung cấp dịch vụ, thời gian đi lại và giao dịch của khách hàng, loại bỏ được các thủ tục giấy tờ, tăng chất lượng và độ chính xác của dịch vụ và tính bảo mật cho khách hàng; mở rộng hợp tác với các công ty công nghệ tài chính để đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt...

Để cải thiện chỉ số “Tiếp cận tín dụng”, PGS, TS Hạ Thị Thiều Dao (Trưởng khoa Kinh tế quốc tế - BUH) khuyến nghị: Cần điều chỉnh hành lang pháp lý về tài sản bảo đảm và thông tin tín dụng. Riêng thông tin tín dụng, nên thiết lập trung tâm chia sẻ dữ liệu trong ngân hàng và DN. Bộ dữ liệu nên được thiết kế nhằm có thể chia sẻ theo nhiều cấp độ giữa cơ quan quản lý, ngân hàng và DN. Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm, giải pháp đang được thực hiện ở các nước phát triển như Xin-ga-po.

Mục tiêu cải cách hành chính của ngành ngân hàng là luôn lấy người dân và DN làm trọng tâm. Việc cải cách phải tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân và DN trong việc tiếp cận vốn và dịch vụ. Trong đó, bao gồm minh bạch hóa các thông tin liên quan các dịch vụ ngân hàng (như tiết kiệm, vay vốn, thanh toán…) nhằm tránh tiêu cực; ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giảm chi phí, thời gian cho người dân và DN; đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ theo nguyên tắc thị trường để người dân và DN có lợi nhất.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, những năm qua, các NHTM có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn phải đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, phát huy sức sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại để đưa ra các sản phẩm, tiện ích, dịch vụ đa dạng và đề xuất, tham mưu cho NHNN nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. NHNN sẽ cải cách mạnh mẽ hơn nữa các cơ chế, thủ tục hành chính; mở rộng, trao thêm quyền tự quyết cho các tổ chức tín dụng. Những điều này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN và người dân khi tiếp cận tín dụng và các dịch vụ ngân hàng nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn và hạn chế rủi ro trong hoạt động.