Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường Vành đai 2

Mặc dù TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu khép kín tuyến đường Vành đai 2 trước năm 2020 để bảo đảm hoàn thiện quy hoạch giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng cũng như gặp khó khăn trong việc mời gọi nhà đầu tư cho nên việc hoàn thành dự án đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa thuộc tuyến đường Vành đai 2, thi công cầm chừng do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng.
Đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa thuộc tuyến đường Vành đai 2, thi công cầm chừng do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng.

Được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài hơn 64 km, tuyến đường Vành đai 2 khi hoàn thiện thi công sẽ “gánh” số lượng lớn phương tiện giao thông đi qua khu vực thành phố mà không phải xuyên vào trung tâm. Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai, đến nay, tuyến đường này mới hoàn thành được hơn 51 km; hiện còn gần 13 km với ba trong số bốn đoạn đang chờ tìm chủ đầu tư, một đoạn đã có chủ đầu tư nhưng tiến độ thi công rất chậm. Khởi công từ cuối năm 2017, hiện nay tiến độ thi công đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa), quận Thủ Đức có chiều dài 2,75 km vẫn chậm vì công tác bàn giao mặt bằng chưa hoàn tất. Đại diện nhà đầu tư là Công ty cổ phần Văn Phú - Bắc Ái, đầu tư đoạn 3 theo hình thức BT cho biết: dự án đang thi công cầm chừng do vướng mặt bằng, chưa kể việc di dời các hạ tầng kỹ thuật khác như đường dây điện, cáp quang… cũng gặp khó khăn. Theo nhà đầu tư, đơn vị thi công đã nhận mặt bằng được 60% nhưng không liền mạch cho nên khả năng cuối năm 2019 mới thi công được 60% khối lượng (khối lượng thi công hiện đạt 402 tỷ/1.000 tỷ đồng). Nếu quận Thủ Đức giao hết 40% mặt bằng còn lại vào đầu năm 2020 thì có thể cuối năm 2020, toàn bộ đoạn 3 mới thi công xong. Nhà đầu tư cũng đã tạm ứng kinh phí phục vụ công tác bồi thường, di dời giải phóng mặt bằng cho cơ quan Nhà nước gần 900 tỷ đồng.

Trong khi tiến độ thi công đoạn 3 vẫn chậm mặc dù đã có nhà đầu tư thực hiện thì đến nay ba đoạn còn lại đi qua các quận 2, 9, Bình Tân, huyện Bình Chánh với chiều dài hơn 10 km vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư. Ngoài ra, công tác đền bù giải phóng mặt bằng của các địa phương để tạo quỹ đất sạch cũng rất gian nan. Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, hiện nay trên địa bàn quận có 557 trường hợp thuộc diện giải tỏa, di dời để thực hiện dự án đường Vành đai 2 (đoạn 1), nhưng loay hoay từ năm 2010 đến nay vẫn chỉ dừng ở công tác xác định ranh mốc trên thực địa, còn nhiều vướng mắc liên quan đến ranh giới thu hồi đất dự án, nguồn vốn thực hiện và chủ đầu tư dự án. Do đó, quận 9 kiến nghị thành phố sớm xác nhận kinh phí đền bù giải tỏa và giao UBND quận là chủ đầu tư thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo sẵn quỹ đất sạch kêu gọi nhà đầu tư. Tương tự, các quận Bình Tân, huyện Bình Chánh đã tiến hành xác định ranh mốc thực địa của dự án, nhưng thành phố chưa rót kinh phí đền bù và kêu gọi được chủ đầu tư cho nên địa phương vẫn đang chờ ngân sách để triển khai thực hiện.

Trước tiến độ thi công đường Vành đai 2 rất chậm, mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các đơn vị và địa phương đẩy nhanh tiến độ. Cụ thể, với dự án đầu tư khép kín đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía đông đến Xa lộ Hà Nội và đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, thành phố giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công theo hướng ngân sách đảm nhận phần giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư đối với phần xây lắp. Còn đoạn từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh phải tiến hành các bước đề xuất chủ trương đầu tư công để báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm 2019.

Theo đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố: Hiện nay chủ trương kêu gọi đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BT đang khó khăn vì vướng cơ chế và phương pháp thực hiện, do đó thành phố cần nghiên cứu một hình thức đầu tư khác trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp. Tuy nhiên, dự án đường Vành đai 2 có vai trò quan trọng cho nên thành phố cần quyết tâm hoàn thiện và khép kín đường Vành đai 2; tránh để tiến độ thi công quá chậm như thời gian qua làm ảnh hưởng tiến độ quy hoạch giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như không đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Theo quy hoạch, tuyến đường Vành đai 2 bắt đầu từ cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức) trên quốc lộ 1 đến vòng xoay An Lạc (huyện Bình Chánh), đi vào nút giao Bình Thuận (đường Nguyễn Văn Linh và đường dẫn lên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, huyện Bình Chánh), rồi vòng vào đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2) đến gần cầu Phú Hữu (quận 9) để nối thông với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến đường có chiều dài hơn 64 km, có quy mô từ sáu đến mười làn xe, chiều rộng trung bình 35 m.