Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Từ nay đến cuối năm, TP Hồ Chí Minh sẽ khởi công 34 dự án quy mô lớn với tổng mức đầu tư là 22.770 tỷ đồng; đồng thời phấn đấu hoàn thành 37 dự án đã triển khai với tổng mức đầu tư gần 40 nghìn tỷ đồng. Những dự án này khi hoàn thành sẽ giảm áp lực hạ tầng giao thông, tháo điểm nghẽn để phát triển kinh tế.

Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 2 với quận 1 đang được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020.
Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 2 với quận 1 đang được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020.

Khép kín đường vành đai 2

Đây là dự án được thành phố đặt quyết tâm hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Theo quy hoạch, công trình có chiều dài hơn 64 km, quy mô từ 6 đến 10 làn xe. Tuy nhiên, tuyến đường này hiện vẫn dở dang bởi còn khoảng 11 km chưa khép kín, chia làm bốn đoạn. Trong đó, hiện chỉ đoạn 3, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức), dài khoảng 2,7 km đang thi công. Đến nay, đã xây lắp được 42%, hỗ trợ tái định cư được 64%, diện tích bàn giao mặt bằng thi công là 54%. Thành phố đặt quyết tâm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư trong quý II - 2020 để thi công và hoàn thành công trình trong quý II-2021. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm, đoạn 1, đoạn 2, từ cầu Phú Hữu trên vành đai phía đông đến xa lộ Hà Nội, từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, các cơ quan liên quan đang lập đồ án điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 dọc hai bên tuyến đường. Sau khi hoàn thành điều chỉnh quy hoạch, sẽ hoàn thiện pháp lý, trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp HĐND giữa năm 2020. Nếu dự án được phê duyệt vào năm 2020 sẽ tổ chức thi công và hoàn thành từ năm 2022 đến 2024. Tương tự, đoạn 4, từ nút giao An Lộc đến đường Nguyễn Văn Linh, thành phố đang hoàn chỉnh thủ tục bảo đảm tiến độ trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp giữa năm 2020. Đối với dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, Bí thư Quận ủy quận 3 Trần Trọng Tuấn cho biết: Dự án này đi qua quận 3 tại đường Cách Mạng Tháng Tám với quy mô khoảng 27.000m2 và 103 hộ bị ảnh hưởng. Quận 3 đã vận động được 81 trong tổng số 103 hộ nhận tiền bàn giao mặt bằng, 37 hộ nhận tiền và đang làm thủ tục pháp lý bàn giao mặt bằng, các hộ còn lại đang tiếp tục vận động. Quận 3 bảo đảm sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng trong tháng 6-2020.

Dự án đường Vành đai 3, theo quy hoạch, có tổng chiều dài khoảng 89,3 km, trong đó 73 km làm mới. Dự án đi qua TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tuy nhiên, hiện chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (16,3 km), trùng với một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn (tỉnh Bình Dương) đã được đầu tư và khai thác, những đoạn qua TP Hồ Chí Minh đang gấp rút hoàn thành thủ tục đầu tư. Một điểm thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án này cũng như nhiều dự án giao thông trọng điểm khác trên địa bàn thành phố là Chính phủ vừa đồng ý cho TP Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù trong giải phóng mặt bằng. Nếu thực hiện theo cơ chế này, thời gian giải phóng mặt bằng cho dự án sẽ được rút ngắn. Khi hoàn thành, dự án không chỉ giảm tình trạng kẹt xe mà còn thay đổi cả bộ mặt kinh tế - xã hội cho thành phố cùng nhiều tỉnh, thành phố lân cận.

Không thiếu vốn để thực hiện

Để đáp ứng yêu cầu phát triển vùng và tăng sự kết nối, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đẩy nhanh các tuyến cao tốc theo quy hoạch. Trong đó, đối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, thành phố đã lập ban chỉ đạo. Nhiệm vụ của ban là chỉ đạo thực hiện kế hoạch phối hợp triển khai dự án đã được thống nhất và ký kết giữa TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh để bảo đảm thi công đúng tiến độ, đúng quy định của pháp luật; giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án. Khi tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ giảm tải cho tuyến quốc lộ 22, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và khu vực Đông Nam Bộ.

Phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND thành phố với 24 quận, huyện mới đây, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư và lựa chọn nhà thầu để khởi công các công trình đã đăng ký và được bố trí vốn khởi công trong năm 2020. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ thi công. Các quận, huyện khẩn trương lập kế hoạch, tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư của từng dự án để phối hợp với chủ đầu tư. Từ đó có kế hoạch bố trí vốn phù hợp, không để công tác bồi thường ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Các quận, huyện, chủ đầu tư không để xảy ra tình trạng dự án được bố trí vốn nhưng chậm triển khai thẩm định, phê duyệt giá bồi thường, dẫn đến chậm giải ngân vốn chi trả cho dân. Phải chi trả bồi thường cho dân trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư không để phát sinh tiền phạt do chậm chi trả cho người dân.

Theo lãnh đạo thành phố, nếu hoàn thành đúng kế hoạch các dự án, nhất là hệ thống đường vành đai, tình trạng ùn tắc tại thành phố chắc chắn sẽ giảm, tạo điều kiện, mở ra cơ hội thực hiện dễ dàng hơn các biện pháp hạn chế giao thông cá nhân, thúc đẩy giao thông công cộng. Giao thông thông suốt sẽ tạo đà phát triển kinh tế, xã hội toàn TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.