Dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ

Thời gian qua, nhiều mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, giúp nhiều chị em vươn lên thoát nghèo...

Mô hình kết cườm tạo việc làm phù hợp với nhiều lao động nữ.
Mô hình kết cườm tạo việc làm phù hợp với nhiều lao động nữ.

Dạy nghề gắn với tạo việc làm

Hai năm nay, nhà bà Phạm Thị Ngọc Chi, Tổ phó tổ kết cườm của Hội Phụ nữ phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1) được trưng dụng làm cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm kết cườm. Nhiều mặt hàng (liễn, vòng trang sức, hoa, thú...) kết bằng hạt cườm được bày bán với mẫu mã và mầu sắc bắt mắt. Bà Chi cho biết, năm 2012, Hội Phụ nữ phường thành lập tổ kết cườm với mười thành viên là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Ðến nay, tổ là nơi sinh hoạt, tạo việc làm cho hơn 30 chị. "Nhờ việc kết cườm, mỗi thành viên trong tổ kiếm thêm được từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng/tháng", bà Chi chia sẻ. Ðể nhân rộng mô hình, bà Chi cùng các thành viên còn mở nhiều lớp dạy nghề xâu chuỗi hạt, kết cườm miễn phí (ba tháng/khóa) cho lao động nữ tại địa phương.

450 lao động nữ ở quận 4 cũng được học nghề may, uốn tóc miễn phí, 100 chị được tư vấn xuất khẩu lao động. Thông qua các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, Hội Phụ nữ quận đã giới thiệu việc làm cho hơn 700 chị. Chị Phan Thị Cúc, học viên lớp uốn tóc, vui vẻ cho biết: "Mỗi khi Hội Phụ nữ quận mở lớp dạy nghề, chị em tham gia học rất đông. Có nghề, chúng tôi có thể xoay xở để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình".

Tương tự, các khóa đào tạo nghề miễn phí cho nữ thanh niên, phụ nữ nghèo như: làm móng, vẽ móng, trang điểm, khiêu vũ, nữ công gia chánh... do Hội Phụ nữ quận 3 tổ chức luôn thu hút nhiều học viên. Từ năm 2009 đến nay, Hội Phụ nữ quận 3 đã đào tạo nghề cho 881 chị với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Qua đó, 362 chị tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định. Ðịa phương còn trợ vốn cho 26 chị có nhu cầu tự kinh doanh. Mô hình "Liên kết nghề giải quyết việc làm" với cơ sở sản xuất hay câu lạc bộ, nhóm "Dịch vụ gia đình" đã giúp 249 chị có việc làm với thu nhập bình quân từ 1 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Giúp nhau thoát nghèo

Từ mô hình giúp nhau làm kinh tế, nhiều địa phương giải quyết thành công bài toán việc làm cho lao động nữ. Hiện, cơ sở làm bánh tráng thủ công của bà Phan Thị Dung (ấp 2A, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi) đang tạo việc làm cho 15 lao động nữ nhập cư. Mỗi nhân công nhận được từ 2,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập này giúp gia đình các chị có cuộc sống ổn định hơn. "Ðể chị em yên tâm làm việc, chúng tôi xây phòng trọ miễn phí, tặng quà vào dịp cuối năm (mỗi phần trị giá 1,2 triệu đồng)" - bà Dung cho hay. Tổ hợp tác se nhang của chị Lê Thị Tám (ngụ xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) cũng tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 phụ nữ ở xã. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, bảo đảm chất lượng, giá cả phải chăng... là những yếu tố giúp cơ sở duy trì hoạt động, có việc làm thường xuyên cho chị em.

Ngoài việc thường xuyên vận động hội viên tham gia các lớp học nghề ngắn hạn, Hội Phụ nữ xã Nhơn Ðức (huyện Nhà Bè) còn thành lập tám tổ liên kết, gồm: một tổ kết cườm, hai tổ nấu ăn - đãi tiệc, một tổ se nhang, ba tổ may gia công, một tổ mây - tre - lá. Bên cạnh đó, mô hình "nuôi heo đất", câu lạc bộ khuyến nông do hội thành lập cũng tạo điều kiện cho chị em trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế. Hằng năm, xã Nhơn Ðức có 364 lượt chị em được tuyên dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi.

Nhờ có tổ hợp tác liên kết và dạy nghề gia công Bạch Văn mà 92 hội viên phụ nữ quận Gò Vấp có việc làm để nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, câu lạc bộ dạy nghề thêu tranh, phụ nữ giúp việc nhà cũng góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn. Thành viên của các tổ, nhóm trên có thu nhập trung bình từ 2,1 đến 2,7 triệu đồng/người/tháng.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh Trần Thị Bích Thủy do kinh phí đào tạo nghề hạn chế cho nên các cấp hội chỉ tập trung những ngành nghề thời vụ, dịch vụ. Ðối tượng học nghề chủ yếu là lao động trình độ thấp. "Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các địa phương vẫn không ngừng nỗ lực trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ. Ngày càng có nhiều mô hình hay giúp các chị em có việc làm thường xuyên, ổn định cuộc sống", Phó Chủ tịch Hội Trần Thị Bích Thủy cho biết thêm.