Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN

Các doanh nghiệp (DN) cần chú trọng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước ASEAN hơn nữa trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở các thị trường trọng điểm khác. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế trong buổi gặp gỡ cộng đồng DN ở TP Hồ Chí Minh mới đây…

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại một doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại một doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của các chuyên gia thương mại, phần lớn DN ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và nước ta nói chung chưa khai thác tốt thị trường các nước ASEAN, dù đây là thị trường có nhiều lợi thế về khoảng cách địa lý, ưu đãi thuế quan, văn hóa... Theo thống kê của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), trong 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam và ASEAN đạt khoảng 21 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (hai chiều) chỉ đạt 9,3 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019, nguyên nhân chính là do tác động của dịch Covid-19.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Nguyễn Phúc Nam cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Phi-li-pin và Xin-ga-po vẫn tăng trưởng nhưng xuất khẩu thủy sản lại giảm, trong đó giảm mạnh là mặt hàng cá tra (thị trường chính là Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po). Các nhóm hàng hóa khác như sản phẩm chế biến - chế tạo (máy móc, thiết bị, điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện), vật liệu xây dựng... cũng giảm mạnh vì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng đều bị ngưng trệ do dịch Covid-19.

Tuy vậy, hàng hóa Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội tốt để xâm nhập thị trường ASEAN. Hiện, In-đô-nê-xi-a, Thái-lan và Phi-li-pin là ba thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam nhiều nhất với chủng loại hàng hóa khá đa dạng. Trong đó, thị trường Thái-lan ưa chuộng mặt hàng trái cây sấy khô và các sản phẩm dệt may dành cho khách du lịch của Việt Nam; In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin thì có nhu cầu nhập khẩu nhiều máy phát điện, máy bơm nước, thiết bị viễn thông... ASEAN cũng đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào ASEAN đạt 1,1 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2018. Trong đó, Phi-li-pin và Ma-lai-xi-a là hai khách hàng chính. Dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo tại khu vực ASEAN sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngoài ra, các mặt hàng thủy sản, cà-phê, rau, quả… của nước ta cũng có nhiều tiềm năng xuất hiện ở thị trường các nước ASEAN. Đáng chú ý, Thái-lan là nước nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN; In-đô-nê-xi-a là nước nhập khẩu lượng lớn mặt hàng cà-phê, chè, gia vị...; mặt hàng tôm của nước ta đang chiếm ưu thế tại Xin-ga-po...

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu gặp khó, DN nên đẩy mạnh phát triển thị trường ASEAN và đây cũng là phương án tốt cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường cố định. Để khai thác hiệu quả thị trường ASEAN, các DN cần cấu trúc lại chủng loại hàng hóa cho phù hợp với tình hình mới, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến; cần áp dụng công nghệ số vào quản lý, tiếp cận thị trường cũng như giao dịch với khách hàng.

Cùng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) Phạm Bình An cho rằng, khu vực ASEAN tạo ra nhiều cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, cung ứng nguyên liệu, vốn, công nghệ cao... Vì vậy, các DN cần phải nỗ lực, không ngừng đổi mới sáng tạo để tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, nếu không muốn bị loại khỏi thương trường...

Bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng Đông - Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) nhấn mạnh, các DN cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu cũng như các yêu cầu cụ thể của từng quốc gia để có chiến lược tiếp cận hiệu quả. Trong đó, cần lưu ý, để vào được các nước có đông dân theo đạo Hồi (In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Bru-nây), mặt hàng thực phẩm phải đạt chứng nhận Halal (được phép sử dụng cho người Hồi giáo). Bên cạnh đó, hàng hóa phải tuân thủ các quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ.

Với thị trường In-đô-nê-xi-a (nước có đông người Hồi giáo nhất thế giới), Trưởng Thương vụ Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a Trương Xuân Trung chia sẻ: Các DN xuất khẩu nên xây dựng mạng lưới phân phối thông qua đại lý là người bản địa thì sẽ dễ tiếp cận người tiêu dùng và tiết kiệm chi phí hơn so với việc mở chi nhánh...