Đấu thầu xe buýt nhằm phục vụ tốt hơn

Tạo động lực cạnh tranh trong hoạt động vận tải, đầu tư đổi mới phương tiện để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách tốt hơn chính là những kỳ vọng mà Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đặt ra qua đợt đấu thầu thành công bốn tuyến xe buýt có trợ giá mới đây...

Các tuyến xe buýt trúng thầu được đầu tư xe mới, hiện đại, thân thiện.
Các tuyến xe buýt trúng thầu được đầu tư xe mới, hiện đại, thân thiện.

Từ ngày 1-5, những chiếc xe buýt được đầu tư mới, kiểu dáng hiện đại của bốn tuyến xe buýt có trợ giá gồm tuyến số 1, 15, 65, 152 bắt đầu lăn bánh trên đường. Bốn tuyến xe buýt này vừa được Sở GTVT công nhận trúng thầu, do liên danh Công ty TNHH du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến - Hợp tác xã (HTX) số 18 sẽ đảm nhận khai thác trong thời hạn 5 năm. Đây cũng được xem là thông tin tích cực, sau nhiều năm liền không thể đấu thầu.
 
 Ghi nhận trên tuyến xe buýt số 65 (Bến Thành - Bến xe An Sương), lượng hành khách tham gia tuyến này khá đông và thường xuyên. Khác với kiểu dáng xe buýt đang khai thác hiện nay, xe buýt mới có thiết kế thoáng với hai bên thân xe là kính, nội thất mới, chỗ ngồi rộng, hệ thống điều hòa phân bố đều. Đại diện Công ty TNHH du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến, đơn vị tham gia liên danh cho biết: Công ty tham gia vận hành ba/bốn tuyến xe buýt trúng thầu gồm tuyến số 1, 65 và 152 với 42 xe được đầu tư mua mới 100%, kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Đây là xe do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất, có thiết kế hiện đại, thân thiện. Đại diện liên danh cũng cho biết: Ngoài các tiêu chí do Sở GTVT đưa ra khi tham gia đấu thầu, đơn vị rất chú trọng đến quy định về “tiêu chuẩn để cải thiện chất lượng dịch vụ” vì đó chính là cơ sở, động lực để DN nâng cao thái độ phục vụ, chất lượng xe và tất cả những quy định này là cơ sở để Trung tâm Quản lý giao thông công cộng giám sát, xử lý vi phạm hợp đồng đối với đơn vị khai thác...
 
 Chia sẻ về công tác đấu thầu xe buýt, đại diện nhiều DN, HTX xe buýt của TP Hồ Chí Minh đều đồng tình ủng hộ, vì công tác này đã tạo điều kiện cho DN nâng cao năng lực, tạo sự cạnh tranh về thị phần. Là đơn vị từng khai thác tuyến xe buýt số 1 và 152, đại diện Sài Gòn bus cho biết: Cơ chế đấu thầu phù hợp với xu hướng phát triển chung, tuy nhiên giá gói thầu cần sát thực tế hơn.
 
 Ông Phùng Đăng Hải, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX xe buýt thành phố băn khoăn: “5 năm trước, thành phố khuyến khích các HTX đầu tư mua xe buýt chạy bằng khí CNG để bảo vệ môi trường. Xe này có kinh phí đầu tư cao gấp rưỡi so với xe chạy bằng dầu nhưng nếu không trúng thầu thì đơn vị quản lý xe CNG sẽ rất khó khăn vì chưa hết thời gian trả lãi vay (quy định là bảy năm) đã phải bán xe, và nếu có bán xe thì chưa chắc đã có ai mua vì loại xe này quá đặc thù...”. Do đó, ông Hải cũng như nhiều lãnh đạo các HTX vận tải đề nghị Sở GTVT thành phố xem yếu tố này để có cơ chế phù hợp khi đấu thầu.
 
 Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, giá gói thầu của bốn tuyến xe buýt vừa trúng thầu là 130 tỷ đồng, thấp hơn ngân sách trợ giá của thành phố. Đặc biệt, các chỉ tiêu mời thầu dựa trên Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ (KPI) do chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tư vấn theo chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển cho ngân sách thành phố, vốn vay Ngân hàng Thế giới. Bộ tiêu chí này cũng chính là cơ sở để thanh toán chi phí trợ giá và xem xét các hình thức thưởng, phạt tương ứng, thông qua đó kiểm soát nhà thầu bảo đảm đúng chất lượng dịch vụ theo hợp đồng, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Lãnh đạo trung tâm khẳng định, trong quá trình thực hiện hợp đồng khai thác tuyến theo hình thức đấu thầu, trung tâm sẽ đánh giá, chấm điểm chất lượng dịch vụ trên bốn tuyến theo Bộ chỉ tiêu KPI.
 
 Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Khánh Hưng cho biết: Sau bốn tuyến này, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đang tổ chức đấu thầu hai tuyến xe buýt có trợ giá là tuyến số 4 và 43. Trong năm 2021, thành phố sẽ tiếp tục khảo sát phương án tuyến, trình phê duyệt làm cơ sở để đấu thầu tiếp 39 tuyến khác. Giai đoạn 2022 - 2023, trung tâm sẽ tiếp tục rà soát và tổ chức đấu thầu toàn bộ các tuyến xe buýt trợ giá còn lại. “Cơ chế đấu thầu là động lực phát huy tính cạnh tranh, giúp lựa chọn được đơn vị có năng lực, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân mà giá vé không thay đổi. Đồng thời, giúp tăng sản lượng, giảm chi ngân sách và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách của thành phố”, ông Hưng nhấn mạnh.
 

 Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 127 tuyến xe buýt đang hoạt động, trong đó có 90 tuyến xe buýt có trợ giá (DN vận tải đang đảm nhận theo phương thức đặt hàng) và 37 tuyến xe buýt không trợ giá.