Đánh thức tiềm năng kinh tế biển Cần Giờ

Hướng phát triển ra biển và tập trung kết nối vùng là những giải pháp, mô hình mới giúp TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính, dịch vụ mang tầm khu vực và thế giới. Đó chính là ý kiến của các nhà khoa học tại Hội thảo "TP Hồ Chí Minh - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế" do Ban Kinh tế T.Ư và UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.
 

Một góc rừng Sác, huyện Cần Giờ.
Một góc rừng Sác, huyện Cần Giờ.

Đánh giá về tiềm năng và thách thức của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, PGS,TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, vị thế dẫn dắt và đầu tàu của TP Hồ Chí Minh đang bị thách thức khi các địa phương khác như: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai… vươn lên mạnh mẽ. Thí dụ như TP Hà Nội, trong 20 năm qua đã tăng trưởng đạt mức bình quân gần 9,5%/năm, cao hơn khoảng 1% so với TP Hồ Chí Minh. Quy mô nền kinh tế của Hà Nội từ chỗ chỉ chiếm 8,2% so với cả nước đã tăng lên 13,6%, nhờ đó thu hẹp đáng kể khoảng cách với TP Hồ Chí Minh. Cũng theo PGS,TS Lưu Thế Anh, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 vẫn rất cao, GRDP bình quân đầu người gấp 2,4 lần so với bình quân chung của cả nước, nhưng quy mô và tốc độ, chất lượng tăng trưởng chưa tương xứng. Chỉ số cạnh tranh trong giai đoạn 2017 - 2019 của TP Hồ Chí Minh bật khỏi tốp 10, xuống vị trí thứ 14…
 
 Phát triển kinh tế hướng ra biển chính là giải pháp và mô hình mới được các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế nhận định sẽ giúp TP Hồ Chí Minh duy trì tốc độ phát triển, đồng thời hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, dịch vụ mang tầm khu vực và thế giới. Theo PGS, TS, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững, thành phố có nhiều lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển theo hướng liên vùng, hướng ra quốc tế. Thành phố có vị trí chiến lược trên bản đồ hàng hải quốc tế, nằm trên tuyến giao thông xuyên Á và là cửa ngõ tiềm năng kết nối với cảng Bu-san (Hàn Quốc) và Tô-ki-ô (Nhật Bản). TP Hồ Chí Minh cũng nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm Nam Bộ gồm tám tỉnh, thành phố tạo thành một "bát giác kim cương", ôm lấy lõi tự nhiên là khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ rộng hơn 42 nghìn ha. Vùng này sẽ trở thành cực kinh tế biển khi kết nối chuỗi đô thị biển quốc tế từ tầm nhìn phát triển nhanh chuỗi đô thị mặt tiền biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công.
 
 Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Chính phủ và TP Hồ Chí Minh đã có 20 năm nghiên cứu hướng phát triển huyện Cần Giờ. Thành phố cần xây dựng Cần Giờ trở thành khu đô thị sinh thái cộng sinh với điều kiện tự nhiên để bảo tồn rừng ngập mặn và khu dự trữ sinh quyển. Một mặt, Cần Giờ cần được chú trọng phát triển theo hình thức đô thị có hàm lượng các-bon thấp để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển khỏi tác động xấu về môi trường. Mặt khác, huyện phải phát huy những lợi thế biển để phát triển kinh tế. GS Huây phân tích, nhìn về phát triển chuỗi đô thị sẽ thấy Vũng Tàu gồm có khu đô thị dịch vụ sau cảng Cái Mép - Thị Vải; Cần Giờ là mặt tiền biển; Gò Công - một trọng điểm miền Tây về nông nghiệp và sinh thái sẽ tạo nên một chuỗi đô thị mặt tiền biển. Đây sẽ là động lực tiến biển, làm kinh tế biển, cảng biển, logistics kết hợp Cảng hàng không quốc tế Long Thành, làm tăng hiệu quả đầu tư và tạo bộ mặt mới cho thành phố và vùng lân cận. Nhiều nhà khoa học cho rằng, trong thời gian qua, vùng biển Cần Giờ đang bị “lãng quên”, giá trị các dịch vụ hệ sinh thái độc đáo của khu dự trữ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để chuyển hóa và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế của thành phố. Do đó, TP Hồ Chí Minh muốn phát huy được các tiềm năng của vùng đất này, nên chọn liên kết vùng để phát triển chuỗi đô thị biển mặt tiền tại vịnh Cần Giờ, bảo đảm sinh thái với giá trị kinh tế sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới hướng tới trở thành chuỗi đô thị quốc tế có mức độ quốc tế hóa, sức chống chịu cao. Phương án này có tính khả thi cao khi Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đô thị biển tại huyện Cần Giờ. Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, mô hình phát triển trong tương lai gần của TP Hồ Chí Minh là tăng cường kết nối vùng để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistics gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế tại vịnh Cần Giờ. Từ đây, cần tích tụ dân cư biển, đón nhận cơ hội của hậu hiện đại tạo bước ngoặt thay đổi phương thức phát triển của thành phố (chuyển từ phát triển dựa vào đất đai - land based, sang phát triển dựa vào biển - ocean based).
 
 Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan khẳng định: Định hướng chiến lược để thành phố có kinh tế biển và chuỗi đô thị biển phát triển, kết nối với quốc tế và khu vực đã trở thành nhu cầu cấp thiết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Trong thời gian tới, thành phố sẽ chuyển hóa không gian kinh tế biển vùng Cần Giờ theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái, nhân văn. Đồng thời, phát huy hiệu quả tiềm năng, động lực phát triển, liên kết vùng, từng bước liên kết khu vực và quốc tế là bước đột phá của TP Hồ Chí Minh trong hành trình hướng ra biển. Để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế biển, ông Võ Văn Hoan cho rằng, vùng TP Hồ Chí Minh cần xây dựng mô hình liên kết, phân chia trách nhiệm, kết nối hạ tầng giữa các địa phương. Thành phố xác định, kinh tế biển phải gắn kết với đô thị biển để cùng phát triển. Thành phố sẽ không xây dựng Cần Giờ thành quận mà hướng tới là thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế.