Đa chiều, nhiều cách để giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương lớn, luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm không ngừng nâng cao mức sống, chất lượng sống cho người dân thành phố để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Hội Chữ thập đỏ quận Tân Bình tặng máy may cho hộ nghèo để làm phương tiện sinh kế tăng thu nhập cho gia đình.
Hội Chữ thập đỏ quận Tân Bình tặng máy may cho hộ nghèo để làm phương tiện sinh kế tăng thu nhập cho gia đình.

Theo đó, thành phố vừa đưa ra chỉ tiêu tập trung thực hiện đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so đầu năm 2011 là 3,5 lần; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 1%/năm. Điểm cơ bản và nổi bật là việc gắn chặt mục tiêu giảm nghèo bền vững với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, coi giảm nghèo bền vững là một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Giảm nghèo bền vững vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề, vừa là động lực và thước đo của sự phát triển bền vững, là yếu tố cơ bản bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Hiện nay, chuẩn hộ nghèo thành phố được nâng lên 28 triệu đồng/người/năm; chuẩn cận nghèo từ 28 triệu đồng/người/năm đến 36 triệu đồng/người/năm. Tính đến 31-12-2019, thành phố còn 3.767 hộ nghèo, tỷ lệ 0,19% trên tổng số hộ dân và 22.882 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,15% trên tổng số hộ dân. Cơ bản, thành phố đã không còn hộ nghèo có thu nhập theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số địa phương, người dân tiếp cận thông tin về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới chưa được đầy đủ; trong nhận thức của một số cán bộ xã, phường, thị trấn, khu phố, ấp và người dân vẫn còn suy nghĩ đánh giá hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập (theo phương pháp tiếp cận nghèo cũ). Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc vận hành các hoạt động giảm nghèo theo phương pháp đa chiều còn lúng túng, gặp khó khăn. Lực lượng chuyên trách làm công tác giảm nghèo ở phường, xã, thị trấn thường xuyên thay đổi (do thu nhập thấp, tiền lương theo cơ chế bán chuyên trách, chính sách hỗ trợ từ BHXH chưa đáp ứng nhu cầu), trình độ và kinh nghiệm hạn chế do mới tiếp cận công việc; lực lượng cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo cấp quận, huyện hưởng lương từ nguồn tiền lãi cho vay của Quỹ xóa đói, giảm nghèo (33 người) chưa yên tâm công tác do thu nhập thấp (không có thu nhập tăng thêm hằng quý và năm theo Nghị quyết của HĐND thành phố) cho nên việc theo dõi, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo và tham mưu thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững ở một số địa phương chưa bảo đảm. Bên cạnh những chỉ số thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cơ bản hoàn thành như chiều nghèo về y tế, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin… tỷ lệ kéo giảm một số chiều thiếu hụt xã hội còn chưa cao như thiếu hụt về diện tích nhà ở, BHXH, trình độ giáo dục của người lớn, trình độ nghề. Nguyên nhân, do một số hướng dẫn triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ về BHXH, nhà ở còn chậm triển khai; việc kéo giảm các chỉ số thiếu hụt này còn phụ thuộc vào nhận thức của từng hộ nghèo và điều kiện khách quan (hộ thiếu hụt diện tích nhà, việc sửa chữa và xây dựng nhà có thủ tục phức tạp, liên quan đến quyền sở hữu tài sản, các quy định về xây dựng, quy hoạch, kế hoạch chỉnh trang đô thị chung của địa phương và thành phố) đã ảnh hưởng đến việc kéo giảm các chỉ số thiếu hụt này cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Chính sách giảm nghèo bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững cho thành phố. Nhân tố quan trọng mang tính quyết định để thực hiện giảm nghèo có hiệu quả là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về giảm nghèo; Nhà nước tạo động lực thúc đẩy bằng các chính sách đầu tư công có hiệu quả và chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững như vốn vay, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, thu nhập, nhà ở, bảo hiểm, hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin... Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Thi Thị Tuyết Nhung đánh giá: Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 rất thuận lợi. Thu nhập hộ nghèo thời gian qua đã tăng 3,5 lần, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1%/năm. TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm đầu tư cho các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo cơ chế có tính khuyến khích cao, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc huy động nguồn lực tại chỗ cũng như lồng ghép với các nguồn khác, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Tăng cường xã hội hóa các hoạt động giảm nghèo, vận động các nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo, doanh nghiệp và vận động toàn dân tích cực tham gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới...