Còn nhiều rào cản trong hợp tác giữa bệnh viện công - tư

Bộ Y tế đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa bệnh viện công và bệnh viện tư với kỳ vọng giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện công. Tuy nhiên, trong thực tế, việc hợp tác giữa các bệnh viện công - tư vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản...

Phẫu thuật tách khối u trên mặt cho người bệnh tại một bệnh viện tư ở thành phố.
Phẫu thuật tách khối u trên mặt cho người bệnh tại một bệnh viện tư ở thành phố.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 106 bệnh viện, trong đó có 39 bệnh viện tư nhân. Năm 2013, các bệnh viện của thành phố đã điều trị nội trú cho 1,4 triệu lượt người, khám, điều trị ngoại trú cho 34 triệu lượt người. Nghịch lý hiện nay là các bệnh viện công lập lớn của thành phố luôn trong tình trạng quá tải, như Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh (công suất sử dụng giường bệnh tới 108,6%); Bệnh viện Ung Bướu (119,6%); Bệnh viện Nhi Ðồng 1 (121,9%); Bệnh viện Nhi Ðồng 2 (133,3%)... Trong khi đó, công suất sử dụng giường bệnh của nhiều bệnh viện tư nhân chỉ từ 15 đến 85%, thậm chí chỉ đạt 5%. Theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh, phần lớn các bệnh viện tư nhân đều được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, trang thiết bị hiện đại, nhưng công suất sử dụng giường bệnh lại rất thấp, gây lãng phí về cơ sở hạ tầng. Do vậy, việc hợp tác giữa bệnh viện công - tư để giảm tải cho các bệnh viện công lập là hướng đi phù hợp.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới tình trạng chênh lệch trên là do khu vực bệnh viện tư ít bệnh viện có thương hiệu, nhân lực thiếu và giá dịch vụ lại cao; trong khi khu vực bệnh viện công đã có thương hiệu, nguồn nhân lực tốt với giá dịch vụ chỉ ở mức trung bình. Vì vậy, nếu sự hợp tác giữa bệnh viện công và tư tốt có thể tận dụng được cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của bệnh viện tư và phát huy nguồn nhân lực, thương hiệu của bệnh viện công.

Trên thực tế, việc hợp tác giữa bệnh viện công với bệnh viện tư đã được một số bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh triển khai nhưng vẫn còn lẻ tẻ do chưa có cơ chế chính thức cho việc hợp tác này. Theo bác sĩ Bỉnh, thời gian qua, nhiều bệnh viện tư đã mời các bác sĩ của bệnh viện công tham gia khám, chữa bệnh ngoài giờ. Theo quy định, việc tham gia này phải được giám đốc bệnh viện công chấp thuận bằng văn bản. Do chưa có hành lang pháp lý, nên về nguyên tắc, các bác sĩ bệnh viện công không được làm việc tại các bệnh viện tư trong giờ hành chính và chưa có cơ chế về tài chính khi hợp tác. Thêm vào đó, nhiều người bệnh cũng không muốn chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư do sự chêch lệch giá dịch vụ hoặc chưa tin tưởng; nhiều bệnh viện công cũng không muốn hợp tác với bệnh viện tư.

Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phạm Thị Ngọc Thảo kiến nghị, để thực hiện tốt việc hợp tác giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, Bộ Y tế cần có cơ chế phù hợp để các bệnh viện công cung ứng chuyên gia đến khám, chữa bệnh cho người bệnh tại bệnh viện tư. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tư là nơi có điều kiện giường bệnh tốt cho người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện công có thể hợp tác nâng cao năng lực chuyên môn cho bệnh viện tư bằng hình thức đào tạo thực hiện gói kỹ thuật y khoa (tương tự việc chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới).

Theo Giám đốc Nguyễn Tấn Bỉnh, các bệnh viện công - tư có thể hợp tác chuyển người bệnh sau phẫu thuật cần điều trị phục hồi chức năng; bệnh viện công lập hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tư (nếu có nhu cầu) thông qua cơ chế hội chẩn, hỗ trợ cán bộ chuyên môn. Ðể phối hợp giữa hai khu vực được tốt cần làm rõ nhiều vấn đề như: Việc bố trí, cử nhân sự phải có quy định cụ thể, có cơ chế rõ ràng nếu tham gia trong giờ hoặc ngoài giờ... Cùng với đó, vấn đề kinh tế y tế, cơ chế thu - chi tài chính, giá viện phí... cũng phải được xem xét cho phù hợp.

Việc giảm tải các bệnh viện công, nâng cao năng lực y tế cho bệnh viện tư là cần thiết. Vấn đề đặt ra là phải vì lợi ích của người bệnh. Do vậy, cần thiết phải xây dựng một cơ chế tài chính minh bạch, hợp tác trong khuôn khổ pháp luật cho phép khi triển khai hợp tác giữa bệnh viện công và tư.