Thị trường bán lẻ:

Cơ hội và thách thức

Đến tháng 1 năm 2015, theo cam kết với WTO, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nước ngoài được thành lập 100% vốn đầu tư tại Việt Nam. Điều này dự báo cuộc cạnh tranh bán lẻ giữa các DN Việt Nam với các DN đa quốc gia ngày càng quyết liệt, trong đó có thị trường rất sôi động ở TP Hồ Chí Minh.

Các nhà bán lẻ trong nước như Saigon Co.op luôn nỗ lực cải thiện việc đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Các nhà bán lẻ trong nước như Saigon Co.op luôn nỗ lực cải thiện việc đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Không ngừng mở rộng thị trường

Mới đây, Lotte Mart đã mở siêu thị đầu tiên tại Hà Nội với vốn đầu tư hơn 25 triệu USD, nâng tổng số siêu thị đang hoạt động tại Việt Nam lên bảy điểm. Trong khi đó, Big C cũng vừa mở đại siêu thị và trung tâm thương mại Big C Hạ Long (Quảng Ninh) có tổng số vốn đầu tư ước tính 350 tỷ đồng (tương đương với 18,627 triệu USD) với tổng diện tích sử dụng gần 27.000 m2. Đại diện Big C cho biết, trong tháng 5 này sẽ khai trương thêm một đại siêu thị ở Quy Nhơn (Bình Định) nâng tổng số siêu thị Big C trên cả nước lên con số 28.

Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam, ông Hong Won Sik cho biết, mặc dù thời gian qua sức mua trầm lắng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhưng có thể tin tưởng thị trường bán lẻ sẽ nhanh chóng khởi sắc trong thời gian tới. Theo ông Hong Won Sik, việc tiếp tục mở rộng thị trường, khai trương các trung tâm thương mại mới vừa nằm trong chiến lược phát triển của Lotte Mart, vừa đón đầu cơ hội mở cửa vào năm 2015 theo cam kết WTO. Từ nay đến cuối năm, Lotte Mart cũng đang đẩy nhanh tiến độ để tiếp tục khai trương thêm ba trung tâm thương mại mới tại Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), Hà Nội và TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Không nằm ngoài cuộc đua, Co.opmart đã nỗ lực mở rộng hệ thống phân phối trên khắp cả nước với 70 siêu thị. Không những vậy, 72 cửa hàng Co.op Food len lỏi trong các khu dân cư đã tạo nên mạng lưới phân phối khép kín đáp ứng tối đa nhu cầu người tiêu dùng. Năm 2013, Saigon Co.op cùng với đối tác NTUC FairPrice (một đơn vị hợp tác xã tại Xin-ga-po đầu tư đại siêu thị Co.opXtra Plus tại quận Thủ Đức với phương thức vừa bán lẻ, vừa phân phối hàng hóa số lượng lớn.

Đại diện Saigon Co.op cho biết, nhằm hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp hơn, Saigon Co.op đã hợp tác với Mapletree (Xin-ga-po) khởi công dự án Trung tâm thương mại SC VivoCity trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7. Với số vốn đầu tư 100 triệu USD, SC VivoCity sẽ cung cấp 72.000 m2 diện tích bán lẻ. SC VivoCity gồm các thương hiệu nổi tiếng, cụm rạp chiếu phim hiện đại, khu vui chơi giải trí và ẩm thực, sẽ là điểm đến dành cho những gia đình có thu nhập khá và cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Cuộc cạnh tranh quyết liệt

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng, sáng lập viên PizzaHome, phân tích, khi các DN ngoại "đổ bộ" vào Việt Nam, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ sẽ cao hơn rất nhiều. DN Việt Nam phải nhanh chóng chuẩn bị đối mặt với các thương hiệu quốc tế lớn, trọng yếu nhất là ở mặt công nghệ, khả năng quản trị và vốn. Người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong quyết định chọn nhà bán lẻ cho mình. DN bán lẻ sẽ không chỉ cạnh tranh về quy mô, vốn, hệ thống quản trị mà còn cạnh tranh cả về marketing, vì mỗi DN bán lẻ sẽ phải thể hiện được rõ ràng, định vị được bản sắc của mình để thu hút khách hàng.

Một số nhà bán lẻ nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam chia sẻ, đến năm 2015, khi có thêm các nhà bán lẻ nước ngoài vào sẽ tạo thêm thách thức cho họ, nhưng đó cũng là cơ hội để tự khẳng định thương hiệu. Bên cạnh lợi thế hiểu văn hóa người tiêu dùng bản địa, giá cả cạnh tranh cũng là ưu thế của các nhà bán lẻ đã có sẵn. Cùng quan điểm trên, ông Hoàng Tùng khẳng định, khó khăn lớn nhất sẽ là thói quen tiêu dùng vì người Việt vẫn có thói quen mua sắm tại những cửa hàng nhỏ, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa.

Vậy, trong tương lai, thị trường bán lẻ có phải chỉ là "sân chơi" độc tôn của các DN bán lẻ nước ngoài hay không? Đối với một thị trường đầy tiềm năng như TP Hồ Chí Minh, đâu sẽ là lợi thế của các DN bán lẻ? Nhiều chuyên gia cho rằng, còn quá sớm để có thể khẳng định họ có thành công hay không, bởi cạnh tranh là cuộc thanh lọc, trong đó những DN bán lẻ yếu kém, không theo kịp thị trường sẽ bị loại. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các DN bán lẻ nước ngoài và trong nước sẽ nâng lên ở mức độ cao hơn.

Tuy nhiên, những DN bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam và những DN bán lẻ trong nước đang mở rộng hệ thống không hoàn toàn nhìn vào thị trường tiêu dùng hiện tại. Họ đang hướng tầm nhìn xa hơn là thị trường Việt Nam trong tương lai với dân số trẻ, thu nhập tăng dần và thói quen mua sắm đang thay đổi. "Tựu trung lại, DN bán lẻ trong nước và nước ngoài không nhìn vào "miếng bánh" thị trường hiện tại, mà còn mong chờ "chiếc bánh" sẽ nở ra to hơn nữa trong tương lai", ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.