Cơ hội phát triển nghề trồng hoa lan

Những ngày cuối tháng 4 này, lần đầu TP Hồ Chí Minh tổ chức Festival Hoa lan tại công viên Tao Ðàn (quận 1). Ðây là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức lễ hội riêng cho hoa lan. Hoạt động này không chỉ giúp cây lan có đầu ra ổn định, mà còn góp phần quảng bá du lịch, đưa sản phẩm đặc trưng của nền nông nghiệp đô thị thành phố đi xa.

Tại vườn lan Ngọc Tuyết, huyện Củ Chi.
Tại vườn lan Ngọc Tuyết, huyện Củ Chi.

Chăm chút tỷ mẩn từng cây lan trong khu vườn rộng hơn 10.000 m2, bà Nguyễn Thị Bé, chủ vườn lan Minh Dũng (ấp Bến Ðò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) chia sẻ: Nhờ khí hậu thuận lợi và được sự hỗ trợ kỹ thuật từ nhiều sở, ngành cho nên diện tích lan cắt cành của TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng, năng suất cao. Không chỉ đầu tư cho lan cắt cành, bà Bé còn tập trung vào việc nhân giống cây con. "Những cây giống chất lượng, khả năng kháng bệnh cao, năng suất tốt sẽ giúp ích cho nhà vườn trong việc chăm sóc, thu hoạch", bà Bé tâm sự. Ðề cập đến thị trường hoa lan, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Giám đốc Công ty hoa lan Thanh Mai (huyện Hóc Môn) cho biết: Thị trường hoa lan còn phụ thuộc quá nhiều vào thương lái. Có khi thương lái đến nhà vườn mua giá rất thấp, nhưng đem đi bán lại thì đẩy giá gấp 4 đến 5 lần, có khi cả chục lần. Chưa kể, không có hợp đồng bao tiêu cho nên chuyện được mùa, mất giá vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, lan là giống cây chịu thời tiết tốt, lại ra hoa quanh năm, thị trường tiêu thụ rộng lớn cho nên chuyện lỗ khó xảy ra. Dẫu vậy, được ký hợp đồng với các công ty làm ăn lâu dài, nhất là tìm đường xuất khẩu vẫn là "tham vọng" của chúng tôi. Có như vậy, mình mới mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất chứ không buôn bán lẻ kiểu "mua đứt bán đoạn", phụ thuộc thương lái như hiện nay.

Theo Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi Dương Văn Minh, mô hình trồng hoa lan mokara theo phương thức cắt cành, đang được nhiều nông dân trong huyện quan tâm lựa chọn để phát triển kinh tế hộ do phù hợp điều kiện địa phương. Toàn huyện hiện có 167 ha trồng lan, sản lượng 24 triệu cành/năm và đang được tiêu thụ ổn định. Tính bình quân, 1ha trồng hoa lan mokara cắt cành, mỗi năm cho thu nhập hơn một tỷ đồng. Ngành nông nghiệp huyện Củ Chi đã có kế hoạch mở rộng diện tích, trước mắt là 200 ha. "Trạm khuyến nông thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhà vườn trồng lan. Hiện, hơn 80% nông dân trồng lan đã cơ giới hóa trong tưới và phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm giá thành lan cắt cành từ 4.000 đồng xuống 3.000 đồng/cành, góp phần tăng lợi nhuận cho người trồng" - ông Dương Văn Minh chia sẻ. Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố), cho biết: Diện tích sản xuất hoa lan tại thành phố có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Năm 2010 chỉ có 190 ha thì đến năm 2015 đã tăng lên 310 ha, cuối năm 2018 đạt 375 ha. Khả năng cung ứng tăng hằng năm, từ 84,5 triệu cành năm 2010 đã tăng lên 134,5 triệu cành trong năm 2018. Trong khi đó, số liệu từ Hội Nông dân thành phố cho thấy, tỷ suất lợi nhuận của người trồng hoa lan của thành phố rất cao, khoảng 700 triệu đồng/ha trồng lan/năm. Thành phố hiện có năm hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực hoa lan, với 70 thành viên và nhiều nông hộ chuyên canh loại hoa này. Cùng với rau an toàn, thủy sản, cá cảnh, hoa lan các loại đã giúp cho giá trị sản xuất đất nông nghiệp thành phố tăng lên đáng kể.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) Phạm Thiết Hòa cho rằng, thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp ngành hoa - cây kiểng, ITPC đã tổ chức kết nối hơn 60 doanh nghiệp, cửa hàng bán hoa, tiểu thương với các trang trại và hộ nông dân trồng kiểng. Hằng năm, chúng tôi tổ chức các hội chợ triển lãm thương mại ở miền bắc, miền trung; mở rộng thị trường sang Lào, Cam-pu-chia, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Từ đó trở thành đầu mối kết nối nhà vườn với nhà phân phối mà không thông qua khâu trung gian thương lái. Thời gian gần đây, nông dân đã tăng cường kỹ thuật tạo ra được giống lan chất lượng, phù hợp với khí hậu TP Hồ Chí Minh". Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Văn Trực khẳng định, tiềm năng phát triển sản xuất hoa lan của thành phố còn rất lớn. Thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như đầu tư nâng cao năng lực sản xuất giống, giảm dần tỷ trọng nhập khẩu; ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, lai tạo giống; sưu tập, thuần hóa làm nguồn lai tạo các loại lan rừng đặc hữu tiến tới đăng ký bản quyền… Ðồng thời, nghiên cứu kỹ thị trường trong nước và nước ngoài, để xây dựng vững chắc mối liên kết các nhà và chính sách phát triển hoa lan phù hợp. "Lễ hội hoa lan năm nay sẽ tạo động lực cho sự phát triển nông nghiệp đô thị, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ trong điều kiện thành phố đã và đang giảm dần diện tích đất nông nghiệp trồng lúa sang trồng các loại cây phù hợp với nông nghiệp đô thị, theo hướng nông nghiệp công nghệ cao", Phó Giám đốc Nguyễn Văn Trực kỳ vọng.