Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vươn xa

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết, với sự tham gia của 11 nước, trong đó có Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp (DN) kỳ vọng sự kiện này sẽ thúc đẩy kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh mẽ...

Sản xuất các sản phẩm từ nhựa như bao bì, túi ni-lông... tại Công ty Nam Thái Sơn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Sản xuất các sản phẩm từ nhựa như bao bì, túi ni-lông... tại Công ty Nam Thái Sơn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Công ty Saigon Food đang tập trung sản xuất các mặt hàng thủy hải sản đông lạnh và thực phẩm chế biến xuất khẩu sang thị trường chính là Nhật Bản, một trong 11 thành viên của CPTPP. Theo hiệp định này, Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. “Đây rõ ràng là cơ hội lớn. Hiện nay, chúng tôi luôn trong tình trạng làm không hết việc. Saigon Food đã có 2.000 lao động và dự kiến phải tuyển đủ 500 lao động trong năm nay để chuẩn bị cho các đơn hàng mới từ Nhật Bản. Cái khó là khi đã đủ lao động lại phải ráo riết “săn” tìm quản lý. Nhân sự cao cấp cũng là thách thức lớn cho DN trong hội nhập”, Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm cho biết.

Là DN xuất khẩu 50% sản phẩm nhựa sang thị trường Nhật Bản và các nước châu Âu, Công ty Nam Thái Sơn đã sớm có những bước chuẩn bị cho Hiệp định CPTPP. Dự kiến đến cuối năm 2018, DN này sẽ mở thêm một nhà máy mới. Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn Trần Việt Anh cho biết: “Qua những hiệp định thương mại tự do, các sản phẩm từ nhựa xuất khẩu sẽ được hưởng lợi với thuế suất 0%. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN nhựa mở rộng thị trường. Tuy nhiên, cũng có những thách thức, đòi hỏi quy định nhiều hơn, như các chính sách phải minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính..., đồng thời các DN phải chuẩn bị tốt hơn nữa”. Cũng tập trung xuất khẩu sản phẩm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dệt may quốc tế Thắng Lợi Ngô Đức Hòa bộc bạch: “CPTPP là cơ hội để DN dệt may mở rộng thị trường. Tuy nhiên, muốn làm hàng với nước ngoài thì phải kiện toàn, đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến. Đây là điều mà công ty nào cũng phải quan tâm nếu muốn ký được đơn hàng xuất khẩu”.

Về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định CPTPP đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên. CPTPP còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước… Hiệp định cũng đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Chủ tịch Tập đoàn Intimex Đỗ Hà Nam, DN chuyên xuất khẩu nông sản cho rằng: Riêng mặt hàng nông sản, Việt Nam có lợi thế và gần như không có đối thủ trong các nước CPTPP. “Từ lâu, phần lớn số nông sản trong nước chủ yếu xuất khẩu dạng thô. Tuy nhiên, với các sản phẩm chế biến sâu hơn như cà-phê hòa tan, tiêu, điều đóng túi vào siêu thị, các nước đánh thuế cao 20 đến 40% tùy từng mặt hàng. Do vậy, khi thuế về 0%, DN Việt Nam sẽ có cơ hội đầu tư nhiều hơn về chế biến sâu, một trong những khâu yếu nhất lâu nay khi thâm nhập thị trường bán lẻ của các nước thành viên”- ông Nam nói.

Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng các DN rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng vì phần lớn các DN đều vừa và nhỏ, cho nên không nắm hết những nội dung, quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, lộ trình cắt giảm các dòng thuế đối với từng ngành hàng. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Thị Kim Chi kiến nghị: “Về phía Nhà nước, cần hướng dẫn cho DN lộ trình thực hiện các quy định của hiệp định, từ đó giúp DN định hướng sản phẩm tham gia các thị trường thì phải chuẩn bị gì. Vì nếu không chuẩn bị tốt thì DN không tham gia được vào thị trường này”. Theo các chuyên gia kinh tế, CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt cho DN và nguồn lao động trẻ Việt Nam. Để tận dụng được cơ hội này, cần thêm những cải cách mạnh mẽ cơ chế hành chính, tạo bước đột phá cho DN phát triển. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, lực lượng lao động của Việt Nam cần thúc đẩy trong việc đào tạo các kỹ năng, nhất là khi đi vào giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 về công nghệ thông tin. Đây là thời đại mới, cần phải đào tạo lại lao động để có kỹ năng về công nghệ thông tin. Tất cả mọi lĩnh vực, trước hết bắt đầu từ luật pháp, cơ chế về thuế, tổ chức, kinh doanh, lao động..., và nhất là chất lượng hàng hóa Việt Nam phải được nâng cấp. “Trong những năm qua, Chính phủ đã có những chính sách cải cách tạo điều kiện cho DN phát triển. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ nếu chúng ta không có sự đột phá về nền hành chính, công cụ, thực thi những điều đã có. Chúng ta phải đào tạo lại hệ thống công chức, viên chức liên quan việc phục vụ, kiến tạo để hệ thống DN thật sự phát triển mạnh”, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng chia sẻ.