Chuyển giao nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân

Năm 2004, dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đầu tiên của TP Hồ Chí Minh được hình thành với diện tích hơn 88 ha tại huyện Củ Chi. Sau 10 năm đi vào hoạt động, khu NNCNC này đã tạo được nhiều dấu ấn, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ thành công này, sắp tới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai xây dựng thêm ba khu NNCNC nhằm tạo bước đột phá sâu hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một mô hình trồng rau tại khu NNCNC TP Hồ Chí Minh.
Một mô hình trồng rau tại khu NNCNC TP Hồ Chí Minh.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Trưởng ban quản lý Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh TỪ MINH THIỆN cho biết: Khu NNCNC Củ Chi chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2010. Hiện, khu NNCNC này có ba đơn vị trực thuộc, gồm: Trung tâm nghiên cứu và phát triển NNCNC; Trung tâm ươm tạo NNCNC và Trung tâm khai thác hạ tầng. Ðến nay, đã có 14 nhà đầu tư thuê toàn bộ diện tích được khai thác của cả khu. Thành phố cũng đã có định hướng hình thành thêm ba khu NNCNC khác, đó là khu 200 ha ngay cạnh Khu NNCNC ở huyện Củ Chi để phát triển mô hình trồng trọt và nuôi cá cảnh; khu 90 ha ở huyện Cần Giờ dành cho nuôi trồng thủy sản và khu 100 ha ở huyện Bình Chánh dành cho chăn nuôi. Như vậy, tương lai phát triển NNCNC ở TP sẽ có ba lĩnh vực chính là trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, khu 200 ha ở Củ Chi và 90 ha ở Cần Giờ đang hoàn tất thủ tục để triển khai xây dựng, sẽ dành quỹ đất khá lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư.

Mục tiêu chính của thành phố khi xây dựng các khu NNCNC vẫn là làm sao để lan tỏa công nghệ, hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao ra bên ngoài. Hỗ trợ ở đây là hỗ trợ công nghệ, tạo sức hút đến bà con nông dân trong vấn đề học tập, nâng cao kiến thức sản xuất tiên tiến. Thứ hai, những chương trình, mô hình xây dựng thương hiệu trong khu NNCNC sau này sẽ giúp các trang trại, hợp tác xã có thể quản lý, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tốt hơn. Việc chuyển giao, hỗ trợ, dẫn dắt mô hình sản xuất NNCNC dần dần sẽ tạo sự chuyển biến về nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều doanh nghiệp NNCNC.

Ðồng chí có thể cho biết các khu NNCNC mà TP dự kiến sắp triển khai có gì khác biệt so với khu NNCNC hiện nay ở Củ Chi?

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế của khu cũ, trong đề án quy hoạch, phát triển các khu mới, chúng tôi tính toán làm sao tạo ra nhiều bước đột phá nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn. Trước hết là về công nghệ, các khu mới phải kết hợp những tiến bộ ở một số lĩnh vực như công nghệ tái tạo, tiết kiệm nước, công nghệ thông tin... để ứng dụng vào sản xuất NNCNC. Thứ hai, phải có quy hoạch thiết kế ban đầu, tận dụng được năng lực, cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt cho việc tham quan, du lịch cũng như học tập, trao đổi khoa học nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên, học sinh, giúp họ hiểu về NNCNC để sau này ra trường có thể ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả. Thứ ba, phần lớn diện tích đất trong các khu mới sẽ dành cho nhà đầu tư. Thứ tư, tập trung đưa ra nhiều giải pháp phát triển theo hướng nâng cấp công nghệ cũng như nâng cao hiệu quả những loại cây trồng đang được TP tập trung phát triển như rau, hoa. Ðồng thời, nâng cấp một số sản phẩm để tạo ra bước đột phá, có dấu ấn riêng trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi sẽ chọn lọc một số giống có hiệu quả ở trong nước cũng như nhập khẩu ở các nước để tạo ra sản phẩm có hiệu quả cao cho người nông dân. Thứ năm, tập trung thiết kế phù hợp với từng mô hình sản xuất, chú ý đến các mô hình NNCNC theo chuỗi cung ứng từ tạo giống, sản xuất ra sản phẩm, thu mua, chế biến, đóng gói và đưa ra thị trường tiêu thụ. Cuối cùng là đào tạo nguồn nhân lực NNCNC. Chúng tôi sẽ mở rộng liên kết đào tạo với các quốc gia có nền NNCNC tiên tiến trên thế giới nhằm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng tốt nhất...

Sau thời gian đi vào hoạt động, đến nay, khu NNCNC đầu tiên của TP đạt được kết quả như thế nào, thưa đồng chí?

Như chúng tôi đã đề cập, khu NNCNC của TP mới trải qua bốn năm vận hành, có ba đơn vị trực thuộc và hiện có 14 nhà đầu tư đã thuê 100% diện tích. Lĩnh vực hoạt động của khu NNCNC khá đa dạng, bao gồm sản xuất giống rau, sản xuất và chế biến nấm, sản xuất chế phẩm sinh học, xử lý nhiệt sau thu hoạch, sản xuất hoa, đặc biệt là hoa lan.

Nhiệm vụ, chức năng chính của khu NNCNC này là ứng dụng công nghệ mới, thử nghiệm giống cây, con mới, sau đó chuyển giao công nghệ; đào tạo, ươm tạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao nhận thức giáo dục cho sinh viên, học sinh, nông dân trong lĩnh vực NNCNC. Từ khi bắt đầu hình thành, vốn đầu tư của TP là 152 tỷ đồng, cộng thêm nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư gấp ba lần nữa, nâng tổng số vốn lên 640 tỷ đồng. Tính ra, một ha đầu tư trong khu NNCNC hết tám tỷ đồng. Ðiều này cho thấy, đây là ngành không phải thâm dụng lao động mà là thâm dụng vốn.

Ngay từ đầu, Ban quản lý khu NNCNC TP đã xác định đầu tư NNCNC là hiệu quả chứ không phải chỉ có phô diễn mô hình. Do đó, những công nghệ đã, đang triển khai cho doanh nghiệp cũng phải phù hợp với từng nhu cầu của từng đối tượng đầu tư để họ áp dụng sao cho có hiệu quả nhất. Năm 2013, tổng doanh thu của 14 doanh nghiệp trong khu đạt khoảng 980 tỷ đồng với những sản phẩm chính là hạt giống rau, dưa lưới, hoa lan, các chế phẩm sinh học... Hiệu quả này, theo chúng tôi, phải được đánh giá ở hai mặt: Hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Chẳng hạn như cùng một tấn giống, nếu là giống được sản xuất theo mô hình NNCNC thì khi đưa ra cho nông dân sản xuất sẽ đạt năng suất cao hơn ít nhất 20%. Năng suất cao sẽ cho hiệu quả cao, điều này giúp cho nông dân có lời, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống nhân dân, nhất là bà con nông dân. Sản phẩm làm ra trên nền tảng NNCNC có chất lượng tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Thưa đồng chí, nhìn vào danh sách các nhà đầu tư trong khu NNCNC của TP, chúng tôi không thấy có doanh nghiệp nước ngoài nào tham gia. Phải chăng, do hiệu quả của mô hình này chưa thuyết phục hay các chính sách thu hút đầu tư chưa thật sự hấp dẫn họ?

Chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia, nhưng đầu tư có yếu tố nước ngoài thì có. Chẳng hạn như có một số doanh nghiệp liên kết với nước ngoài để bao tiêu sản phẩm hoặc chuyển giao công nghệ... Nhưng, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài thì quả thật khu NNCNC đã chưa làm được vì diện tích còn quá nhỏ. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi có thể chưa hấp dẫn và nhà đầu tư nước ngoài cũng phải cân nhắc, bởi rót vốn vào đây cần tính đến rủi ro, thu hồi vốn không phải nhanh.

Trên thế giới, đầu tư vào lĩnh vực NNCNC không có gì là mới, nhưng ở nước ta, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp chú ý đến. Trong thời gian đầu hoạt động, việc thu hút các doanh nghiệp trong nước cũng rất khó. Ðối với doanh nghiệp có thị trường, có tiềm lực tài chính thì làm nhanh, nhưng cũng có doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay không tiếp cận được vốn vay ngân hàng nên đầu tư có chậm. Một nguyên nhân khác là do hệ thống quản lý, thủ tục hành chính còn khá phức tạp. Một nhà đầu tư muốn vào phải được xét công nghệ, sau đó qua sở Kế hoạch và Ðầu tư thẩm định năng lực, kinh nghiệm sản xuất... rồi hồ sơ chuyển qua Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó mới trình lên UBND thành phố...

Như vậy, với các khu NNCNC sắp triển khai, TP có thay đổi chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư không, thưa đồng chí?

Hiện nay, TP đã có Quyết định 13 về chính sách khuyến khích hỗ trợ, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ một số cây, con có giá trị thấp sang một số cây, con có giá trị kinh tế cao. Chính sách này đang áp dụng cho giai đoạn 2013-2015, gồm những chương trình giống cây, con chất lượng cao, chương trình rau an toàn, chương trình hoa lan, cây kiểng và chương trình phát triển bò sữa, cá sấu. Do đó, về mặt nguyên tắc, thì những doanh nghiệp đầu tư vào các khu NNCNC vẫn được hưởng ưu đãi này. Tuy nhiên, có thể khi doanh nghiệp tiếp cận sẽ có khó khăn, vì yêu cầu họ phải có tài sản thế chấp; thủ tục vay cũng làm mất đi tính thời cơ, làm nản lòng nhà đầu tư. Bên cạnh đó, TP cũng có chính sách riêng cho doanh nghiệp đầu tư vào khu NNCNC, như tiền thuê đất, ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị, linh kiện; đào tạo nhân lực.

Theo suy nghĩ của chúng tôi, sắp tới, để huy động được nguồn lực từ khắp nơi đầu tư vào đây thì TP nên tập trung nhiều vào việc ban hành chính sách, tạo hành lang pháp lý để tất cả mọi thành phần kinh tế có thể đầu từ vào các khu NNCNC khác tương tự. Nếu có chính sách tốt, TP có thể không cần bỏ tiền đầu tư hạ tầng mà có thể huy động được các thành phần kinh tế khác đầu tư. Việc huy động được mọi thành phần kinh tế đầu tư khu NNCNC có thể tạo ra đột phá, phát triển nhanh hơn, nhiều hơn các khu NNCNC vì nguồn lực trong dân còn rất dồi dào, chẳng hạn, doanh nghiệp bất động sản cũng có thể chuyển sang đầu tư trong lĩnh vực NNCNC...