Chung tay hạn chế rác thải nhựa

Ngày 9-3 vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh cùng Ðoàn Lãnh sự các nước Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, In-đô-nê-xi-a, Niu Di-lân cùng các sở, ban, ngành và đông đảo người dân… đã tổ chức lễ phát động "Ngày làm sạch rác thải nhựa" năm 2019.

Dây chuyền làm ống hút từ bột gạo.
Dây chuyền làm ống hút từ bột gạo.

Ngay sau lễ phát động, nhiều đoàn đã thu gom chai, túi, bao nhựa tại các tuyến đường Lê Lai, Phạm Ngũ Lão và phát túi vải tái chế tại chợ Bến Thành và tuyên truyền, vận động người dân dùng túi tái chế thay túi ni-lông… Năm 2019, thành phố phấn đấu giảm 65% khối lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi ni-lông khó phân hủy tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 50% khối lượng chất thải túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt. Nhằm bảo đảm tính bền vững của hệ sinh thái tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm, năm 2019, thành phố phấn đấu hoàn thành hai mục tiêu cơ bản: Giảm 65% khối lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi ni-lông khó phân hủy tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 50% khối lượng chất thải túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt.

Ngoài ra, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động. Ðến năm 2020, thành phố phấn đấu hoàn thành 10 mục tiêu tiếp theo: 100% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn môi trường; 80% lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đạt chuẩn; giảm 70% lượng phát thải ô nhiễm không khí; 100% xã thực hiện xây dựng nông thôn mới; giảm 90% tải lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước; áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tái chế, làm phân compost tỷ lệ 40% và chôn lấp hợp vệ sinh đạt 60% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt; tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán hơn 40%…

Ðầu năm 2017, thành phố đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, ban hành quy định cấm phát túi ni-lông khó phân hủy tại những nơi mua bán. Trước đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở ngành liên quan mở rộng công tác tuyên truyền, vận động người dân giảm sử dụng và thải bỏ đúng túi ni-lông. Sở Công thương tiếp tục thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân bán lẻ, nhất là các tiểu thương tại chợ cam kết giảm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy. Cục Thuế thành phố có trách nhiệm giám sát việc thu nộp thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông khó phân hủy lưu thông, phân phối trên thị trường cũng như tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh vi phạm. Ðồng thời, UBND thành phố yêu cầu các tiểu thương cần hạn chế hoặc không phát miễn phí túi ni-lông cho người tiêu dùng và nên sử dụng các loại túi, phương tiện đựng hàng thân thiện với môi trường thay thế túi ni-lông.

Cùng với kiến nghị nói trên, UBND thành phố đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra giám sát việc sản xuất túi ni-lông thân thiện với môi trường theo đúng hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận túi ni-lông thân thiện môi trường. Có quy định về nhãn túi ni-lông thân thiện môi trường giúp người dân, các tổ chức cá nhân, bán lẻ dễ nhận biết. Sở Công thương cho biết, mỗi ngày các hệ thống phân phối bán lẻ của thành phố sử dụng hơn chín tấn túi ni-lông. Phần lớn trong số này là ni-lông khó phân hủy. Trong đó, có đến 80% lượng túi ni-lông được sử dụng tại mạng lưới các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Theo khảo sát mức giá hiện tại trên thị trường, túi ni-lông rẻ hơn túi giấy rất nhiều. Ðây cũng là một trong những lý do khiến các hộ kinh doanh, người buôn bán ưu tiên sử dụng loại túi này. Từ 25.000 đến 40.000 đồng, đã có thể mua được 1 kg túi bóng, nhưng túi thân thiện với môi trường, có giá khoảng 8.000 - 10.000 đồng/chiếc. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng năm đến bảy túi ni-lông/ ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... Chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni-lông, và con số này tăng theo từng năm.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhóm bạn trẻ đã từ chối dùng ống hút nhựa ở cửa hàng, và làm quen với những chiếc ống hút tre. Ống hút tre có thể tái sử dụng nhiều lần và được sản xuất hoàn toàn tự nhiên có giá khoảng 10.000 đến 15.000 đồng/ ống hút. Những hộp cơm bằng xốp hay nhựa dần được thay bằng hộp cơm làm từ bã mía, vừa tiện dụng, lại thân thiện với môi trường. Hộp cơm làm từ bã mía có thể phân hủy thành phân bón hữu cơ sau 180 ngày. Còn ống hút làm từ bột gạo không gây hại cho môi trường, có thể nấu thành mì để ăn, nướng thành bánh, dùng chế tạo đồ chơi… Cũng đang được ưa chuộng và được một số cơ sở ở làng bột gạo Sa Ðéc, Ðồng Tháp triển khai. Ðiểm cộng đầu tiên cho các sản phẩm ống hút thân thiện môi trường "Made in Vietnam" là sử dụng hoàn toàn nguồn nguyên liệu tự nhiên từ bột gạo và mầu sắc từ rau củ như rau dền, củ dền, mè đen… Hiện tại, loại ống hút gạo được nhiều khách hàng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu,… và thành phố Hồ Chí Minh tìm mua.