Chú trọng phát triển hạ tầng dịch vụ

Phát huy tiềm năng, lợi thế, TP Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển kinh tế theo cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó, ngành dịch vụ được xem là mũi nhọn phát triển chiến lược của thành phố. Tuy nhiên, để ngành dịch vụ phát triển, thành phố cần chú trọng quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ, một yêu cầu hết sức cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng hiện nay…

Lễ hội Áo dài được tổ chức hằng năm là một hoạt động du lịch nổi bật của thành phố. Ảnh: Mạnh Hảo
Lễ hội Áo dài được tổ chức hằng năm là một hoạt động du lịch nổi bật của thành phố. Ảnh: Mạnh Hảo

Để bảo đảm duy trì và thúc đẩy ngành dịch vụ như một động lực quan trọng trong giai đoạn mới, thành phố chú trọng phát triển ngành dịch vụ với chín nhóm ngành chủ lực, gồm: tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học - công nghệ, y tế; giáo dục và đào tạo. Năm 2018, khu vực dịch vụ của thành phố chiếm tỷ trọng 62,4% cơ cấu ngành trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); chín nhóm ngành dịch vụ chủ lực chiếm tỷ trọng 57,1% trong tổng GRDP của thành phố. Ðây là con số khá ấn tượng mà khu vực dịch vụ đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

Tuy vậy, hiện nay ngành dịch vụ của thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí và vai trò "đầu tàu" của một thành phố sôi động bậc nhất cả nước. Hạn chế lớn nhất cũng là điểm nghẽn kìm hãm ngành dịch vụ của thành phố phát triển theo hướng bền vững là hạ tầng dịch vụ phát triển chưa tương xứng.

Theo các chuyên gia kinh tế, bản chất của hạ tầng cho phát triển ngành dịch vụ (hạ tầng dịch vụ) rất phức tạp, bao gồm cả hạ tầng vật thể (hạ tầng cứng) và phi vật thể (hạ tầng mềm). Hạ tầng vật thể có thể kể đến như giao thông, năng lượng, mạng; còn hạ tầng phi vật thể như cơ chế về tài chính, dữ liệu, hệ thống pháp lý, quy định pháp luật… Các cơ sở hạ tầng này phục vụ cho các nhu cầu rất đa dạng để vận hành và phát triển các ngành dịch vụ trong thành phố, khu vực và cả nước. Do đó, quy hoạch và phát triển hạ tầng cho dịch vụ là bài toán phức tạp mang tính tổng thể, bao gồm nhiều khía cạnh và đối tượng, có khi vượt ra khỏi ranh giới một quốc gia, lãnh thổ.

Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, chiến lược phát triển du lịch của thành phố đến năm 2030 là trở thành một điểm đến du lịch, văn hóa, giải trí hấp hẫn; hướng đến vị trí trong top 30 thành phố hấp dẫn nhất thế giới và top 10 thành phố trong khu vực châu Á có ngành du lịch phát triển hàng đầu cho du khách, có sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" như hệ thống giao thông, cấp - thoát nước… chưa kết nối đồng bộ các điểm đến du lịch trên địa bàn. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên và ngày càng phức tạp khiến cho khách du lịch mất nhiều thời gian di chuyển. Khoảng 85% số khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh bằng đường hàng không nhưng sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải, trong khi sân bay Long Thành (Ðồng Nai) chậm triển khai. Nhiều hãng hàng không xin mở đường bay đến thành phố nhưng không được đáp ứng vì hạ tầng không bảo đảm. Thành phố cũng chưa có bến cảng phù hợp, tầm cỡ phục vụ tàu khách du lịch quốc tế lớn. Xu thế ngành du lịch hội nghị, hội thảo đang bùng nổ, thành phố là một điểm đến hấp dẫn nhưng không có địa điểm tổ chức...

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang chia sẻ, hiện nay các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics tại thành phố chiếm 75% của cả nước, khối lượng vận chuyển hàng hóa của thành phố chiếm 40% của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đóng góp 35% doanh thu vận tải kho bãi của cả nước. Tuy vậy, thành phố chưa có trung tâm logistics xứng tầm để đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ này. Mỗi năm thành phố tổ chức hơn 600 hội chợ, triển lãm thương mại, nhưng chỉ có một trung tâm triển lãm ở quận 7 đạt yêu cầu 10 nghìn m2, còn lại phải tận dụng mặt bằng khắp nơi để tổ chức. Ðể đáp ứng cho ngành dịch vụ thương mại, dự tính cần diện tích đất tối thiểu để phát triển hạ tầng dịch vụ thương mại là 1,85 triệu m2, tổng vốn đầu tư khoảng 300 nghìn tỷ đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu, Trường đại học Việt - Ðức (tỉnh Bình Dương) cho biết: TP Hồ Chí Minh đang đứng trước thách thức lớn phải cạnh tranh với nhiều đô thị và thích nghi với những biến đổi mới. Là lõi của vùng kinh tế vùng phía nam, TP Hồ Chí Minh sẽ là trung tâm của chùm đô thị có kết nối đa chiều. Vùng lõi không thể cản trở sự mở rộng của các thành phố bên ngoài, vì vậy cần chủ động tham gia và hợp tác các bên để mỗi thành tố trong cấu trúc vùng phát triển hiệu quả hơn về hạ tầng dịch vụ cho toàn vùng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, để phát triển hạ tầng dịch vụ một cách tương xứng như định hướng và xu thế chung, quy hoạch phải đi trước một bước và gắn liền với quy hoạch từng ngành. Bởi, mỗi ngành tự phát triển thì không thể tạo nên hiệu ứng tích cực, không thể thay đổi mạnh mẽ chất lượng dịch vụ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thay đổi tư duy trong tầm nhìn quy hoạch hạ tầng dịch vụ…