Chú trọng khai thác nguồn năng lượng tái tạo

TP Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo (NLTT) nối lưới nói chung và điện mặt trời (ĐMT) mái nhà nói riêng, nhưng việc phát triển nguồn năng lượng này còn rất hạn chế. Thực tế đang đòi hỏi thành phố cần có nhiều giải pháp đột phá để phát triển mạnh hơn trong thời gian tới…

Một hệ thống điện mặt trời mái nhà của người dân ở huyện Bình Chánh.
Một hệ thống điện mặt trời mái nhà của người dân ở huyện Bình Chánh.

Theo số liệu từ Chương trình Năng lượng xanh TP Hồ Chí Minh, thành phố có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kW giờ/m2/năm; cao nhất là 6,3 kW giờ/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kW giờ/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 giờ đến 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền bắc. Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ/tháng; còn vào mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ/tháng. Do đó, thành phố có tiềm năng rất lớn để phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời, đặc biệt là ĐMT mái nhà. 

TP Hồ Chí Minh là một trong những đô thị đang phát triển mạnh mẽ với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ điện cao hơn so với các thành phố khác của Việt Nam. Để bảo đảm nguồn năng lượng, nhất là năng lượng sạch, thành phố đã định hướng tăng tỷ trọng sử dụng nguồn NLTT trong sử dụng điện cho phát triển và đã đạt được một số thành quả nhất định trong thực tế. Hiện, tỷ trọng nguồn NLTT đạt khoảng 2% trên tổng công suất sử dụng điện của thành phố. Tính đến hết tháng 5-2020, toàn thành phố đã có 7.341 công trình ĐMT mái nhà với tổng công suất lắp đặt 94,49 MWp. Sản lượng điện năng phát lên lưới đạt 33,33 triệu kW giờ (chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng).

Bộ Công thương dự báo, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của nước ta từ năm 2021 trở đi vẫn tăng trưởng ở mức cao, khoảng 8% đến 10%/năm. Đây là một thách thức rất lớn cho ngành điện Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu; việc phân bổ nguồn điện và phụ tải không đồng đều gây áp lực truyền tải lớn trên hệ thống đường dây 500 kV bắc - nam; biến đổi khí hậu gây ra khô hạn, hồ thủy điện thiếu nước; một số dự án điện theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra… 

Hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020, khi cả nước không có nhiều nguồn đưa vào khai thác mới, thì việc phát triển các dự án NLTT nối lưới và ĐMT mái nhà được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo ở nước ta để phát điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Với TP Hồ Chí Minh, việc phát triển nguồn điện này sẽ giúp tận dụng được hàng triệu mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu công nghiệp…; gia tăng lợi ích kinh tế cho thành phố và tạo việc làm cho người lao động; mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là những người lắp đặt ĐMT mái nhà… 

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết, EVN đã báo cáo Bộ Công thương, Chính phủ để bổ sung vào quy hoạch một số dự án truyền tải (đường dây, trạm biến áp) và cho triển khai nhanh các dự án điện NLTT, nhất là ĐMT nối lưới. Còn với ĐMT mái nhà,  EVN đã đơn giản hóa thủ tục và ứng dụng công nghệ thông tin… nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt được ký hợp đồng mua-bán điện và các thủ tục khác nhanh, thuận tiện nhất. Trong thời gian tới, EVN sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn một số nhà cung cấp vật tư, thiết bị, dịch vụ cao đưa lên website để người dân tham khảo. EVN cũng sẽ kết hợp với Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội kỹ sư của Đức xây dựng và hoàn thiện các công cụ tính toán, xác định mức độ bức xạ để người dân đưa ra quyết định đầu tư ĐMT đạt hiệu quả cao. 

Đại diện Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết, sẽ hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới và mua - bán ĐMT. EVNHCMC cũng đã liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp, nhà đầu tư ĐMT, các ngân hàng để phối hợp đề xuất cơ chế, chương trình (giảm giá, nâng thời gian bảo hành, chính sách ưu đãi về lãi suất, đầu tư trước trả tiền sau…) để khuyến khích khách hàng trên địa bàn thành phố tham gia phát triển ĐMT… 

Để người dân và doanh nghiệp yên tâm hơn khi quyết định đầu tư phát triển nguồn NLTT, thông qua Sở Công thương thành phố, EVNHCMC đã kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có các giải pháp thúc đẩy phát triển ĐMT trên địa bàn. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng ĐMT mái nhà. Có cơ chế khuyến khích, cho phép các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn thành phố tự đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư lắp đặt các hệ thống ĐMT mái nhà để sử dụng và bán lại phần còn dư cho ngành điện. Đưa việc lắp đặt ĐMT mái nhà thành yêu cầu bắt buộc trong quy chuẩn xây dựng các tòa nhà có mái lớn như các chung cư, trụ sở, trung tâm thương mại, khách sạn...