Chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh lao động

Thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) chính là bảo đảm môi trường làm việc và các quyền lợi tốt nhất cho người lao động (NLÐ). Nhận thức ấy ngày càng được các doanh nghiệp (DN), đơn vị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chú trọng nhằm giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường lao động…

Lực lượng quản lý và công nhân của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình được bảo đảm điều kiện làm việc an toàn.
Lực lượng quản lý và công nhân của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình được bảo đảm điều kiện làm việc an toàn.

Là DN chuyên thi công xây dựng các công trình dân dụng, khách sạn và cao ốc, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (viết tắt: DN Hòa Bình) ở quận 3 không ngừng nâng cao công tác quản lý ATVSLÐ. Những năm qua, DN Hòa Bình đã có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này, đội ngũ kỹ sư giám sát của đơn vị có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, vận hành hiệu quả công tác quản lý ATVSLÐ theo hệ thống OHSAS 18001:2007 và ISO 14001:2015; bảo đảm được môi trường làm việc an toàn, vệ sinh, giảm rõ rệt các sự cố tai nạn lao động. Nhờ đó, trong năm 2018, DN Hòa Bình đã đạt 75 triệu giờ lao động không tai nạn.

DN Hòa Bình hiện có gần 30 nghìn công nhân cơ hữu và công nhân thuộc các nhà thầu phụ đang làm việc trên một trăm công trình khắp cả nước, vì vậy công tác bảo đảm ATVSLÐ luôn được chú trọng. Hiện, tổng số cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động là 164 người; tại mỗi dự án đều thành lập Ban An toàn lao động (ATLÐ) và mạng lưới An toàn vệ sinh viên. Bất cứ công nhân nào vào làm việc tại công trường đều trải qua thời gian huấn luyện hai ngày về ATVSLÐ. Sau phần lý thuyết, công nhân thực hiện bài kiểm tra kiến thức đã được tập huấn và ký cam kết ATLÐ để Ban ATLÐ cấp thẻ ATLÐ. Bên cạnh đó, các loại máy móc, thiết bị tại công trường đều được thực hiện kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ một lần/tháng và quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối khi đưa vào vận hành...

Còn tại Công ty TNHH MTV Cao-su Thống Nhất (huyện Củ Chi), với gần một nghìn công nhân đang làm việc, bộ phận quản lý ATVSLÐ triển khai thực hiện nghiêm các quy trình, quy phạm về ATVSLÐ, cải thiện tối đa điều kiện làm việc cho NLÐ. Theo đó, những thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLÐ đều được kiểm định theo đúng quy định của pháp luật; các trang thiết bị và phương tiện phòng cháy, chữa cháy thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng; nước dự trữ chữa cháy, bình bọt, bình cứu hỏa, xe cứu hỏa được trang bị đầy đủ tại các vị trí sản xuất, theo tiêu chí "dễ thấy, dễ lấy". Các khu xử lý thu gom nước thải, chất thải nhiễm dầu tại các dự án, xí nghiệp được xử lý theo đúng quy trình phân hủy sinh học, bảo đảm nước thải, chất thải khi thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn cho phép.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao-su Thống Nhất Trần Thanh Lãm cho biết, DN đang sử dụng 73 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLÐ, có nguy cơ gây tai nạn lao động cao, cho nên đã phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho những cán bộ, công nhân viên có đủ điều kiện vận hành thiết bị, thường xuyên theo dõi và nhắc nhở, tập huấn cho toàn thể công nhân lao động… Các khu vực để hóa chất được cách ly và có người quản lý, theo dõi, người không có trách nhiệm không được vào và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa rủi ro khi tràn, đổ hóa chất...

Thời gian qua, Công ty TNHH MTV Cao-su Thống Nhất cũng đã duy trì tốt hoạt động tư vấn pháp luật; hoạt động tuyên truyền được ưu tiên cho NLÐ trực tiếp làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thường xuyên kiện toàn, củng cố mạng lưới An toàn vệ sinh viên vì đây là lực lượng nòng cốt, có tay nghề giỏi, có sức khỏe và tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết về công tác ATVSLÐ và phòng, chống cháy nổ được cán bộ, đoàn viên công đoàn, NLÐ tín nhiệm.

Ðại diện Công đoàn Công ty cổ phần Dược phẩm 3-2 cho biết, thực trạng, mặc dù đơn vị thường xuyên nhắc nhở NLÐ thực hiện các quy định về ATVSLÐ nhưng vẫn còn hiện tượng công nhân không đeo nút chống ồn đối với khu vực sản xuất phát ra âm thanh, hay không đeo khẩu trang trong môi trường có dung môi hóa chất cho nên rất dễ mắc các bệnh nghề nghiệp. Thực tế cũng có tình trạng NLÐ sợ phát hiện bệnh cho nên không đi khám sức khỏe định kỳ theo chương trình chung tại đơn vị. Do đó, ngoài trách nhiệm của DN trong công tác bảo đảm ATVSLÐ thì rất cần ý thức và sự hợp tác của chính NLÐ nhằm mang lại hiệu quả cao nhất về ATVSLÐ tại từng DN, đơn vị...

Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Lê Anh Tuấn nhận định, bên cạnh nhiều DN, đơn vị thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thì vẫn còn không ít đơn vị, NLÐ chưa chú trọng đến công tác này dẫn đến tai nạn lao động vẫn có xu hướng gia tăng. Thống kê cho thấy, tai nạn lao động xảy ra do lỗi của người sử dụng lao động chiếm 45,41%, lỗi của NLÐ chiếm 20%, còn lại là 35% do các nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác. Do vậy, các đơn vị, DN cần tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật về ATVSLÐ; giám sát việc thực hiện các quy định về bảo hộ lao động ở các DN; tổ chức mạng lưới An toàn vệ sinh viên bảo đảm hoạt động thực chất và chú trọng đào tạo cán bộ có chuyên môn về ATVSLÐ…