Chủ động ngăn ngừa hành vi phạm tội ở thanh, thiếu niên

Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật ở thanh, thiếu niên, có cả học sinh ở địa bàn TP Hồ Chí Minh diễn ra khá phổ biến. Thực trạng này đang nhận được sự quan tâm từ nhiều phía. Ðể hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật, cần có các giải pháp mang tính chủ động phòng ngừa được thực hiện thường xuyên, đồng bộ…

Giờ chơi thể thao của học sinh tại một trường THCS ở TP Hồ Chí Minh.
Giờ chơi thể thao của học sinh tại một trường THCS ở TP Hồ Chí Minh.

Thống kê đáng báo động

Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC 02), Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết: Từ năm 2018 đến hết quý I-2021, thành phố ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện, các cơ quan chức năng đã truy bắt 884 đối tượng. Trong đó, đã khám phá 474 trong số 516 vụ, xử lý 775 đối tượng, gồm: Xử lý hình sự 336 vụ với 554 đối tượng, xử phạt hành chính 108 vụ/221 đối tượng, đang tiếp tục điều tra 42 vụ và 109 đối tượng. Trong các vụ việc đã xử lý, cơ quan chức năng ghi nhận các đối tượng phạm tội đều còn rất trẻ, trong đó, độ tuổi dưới 14 chiếm 3,62%, từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi là 27,26% và dưới 18 tuổi là 69,12%. Về trình độ văn hóa, không biết chữ là 3,75%; tiểu học 29,33%, THCS 46,51% và THPT là 20,41%. Trong số 884 đối tượng có 553 đối tượng đã bỏ học, chiếm 71,44%. 

Qua các vụ việc thực tế cho thấy, hành vi vi phạm pháp luật do thanh, thiếu niên thực hiện xảy ra ở nhiều góc độ khác nhau. Ðơn cử như vụ việc “băng nhóm áo cam” với khoảng 200 thanh, thiếu niên mặc đồng phục áo cam đã dùng hung khí đánh đập, phá hoại tài sản một quán ăn trên đường số 6, phường An Lạc, quận Bình Tân. Cơ quan chức năng đã khởi tố gần 100 đối tượng. Nhiều đối tượng tham gia vụ việc này chủ yếu là bị lôi kéo, dụ dỗ. Mới đây, PC 02, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, truy xét và bắt giữ 16 nghi phạm cướp giật tài sản liên tỉnh. Các nghi phạm trong băng cướp trong độ tuổi từ 15 đến 22, quen nhau khi chơi trò chơi trực tuyến (game online) trong các tiệm in-tơ-nét. Ngoài ra, tình trạng học sinh đánh nhau, mâu thuẫn tại các trường học cũng xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây. Tiến sĩ Tâm lý tội phạm học Ðoàn Văn Báu nhận định: Sự thay đổi của xã hội ảnh hưởng đến tâm sinh lý, phát triển của trẻ dưới 18 tuổi khiến các em dễ bị lôi kéo vào các hoạt động mang tính mặt trái, tiêu cực. Tiến sĩ Tâm lý học Ðào Lê Hòa An cũng cho rằng, ở độ tuổi dưới 18, các em rất muốn thể hiện cái tôi của bản thân với bạn bè và xã hội. Thế hệ trẻ ngày nay tiếp nhận, thụ hưởng thông tin từ in-tơ-nét quá nhanh nhưng lại không có bộ lọc thông tin để biết thông tin nào cần thiết và bổ ích cho bản thân. Bản thân Tiến sĩ Ðào Lê Hòa An từng chứng kiến một học sinh bị đánh “hội đồng”, khi được hỏi vì sao không tìm cách bỏ chạy thì học sinh này cho biết: Thà đứng chịu trận chứ nếu bỏ chạy thì sẽ bị “bẽ” mặt với bạn bè…

Phối hợp nhiều phía

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân, Quyền Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường đại học Hoa Sen, cho rằng: Ðể đánh giá một học sinh thì phải có cái nhìn toàn diện về hoàn cảnh gia đình, trong từng sự việc… Khi hiểu được nguồn gốc dẫn đến hành vi phạm tội, chúng ta mới có giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ các em. Gia đình chiếm vị trí rất quan trọng, là một trong các bên góp phần quản lý, định hướng cho các em phát triển. Ðã có một số câu hỏi được đặt ra: Các bậc cha mẹ chuẩn bị kỹ năng nuôi dạy trẻ chưa? Các gia đình đã có mạng lưới để tham vấn khi con mình rơi vào tâm lý bất ổn chưa? Chính vì vậy, sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội là mạng lưới quản lý học sinh rất tốt. Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh Trịnh Duy Trọng cho biết: Nhà trường có vai trò rất quan trọng để ngăn chặn trẻ hóa tội phạm bằng cách trang bị cho các em các kiến thức và kỹ năng sống. Các số liệu thống kê cũng đã chỉ ra rằng người trẻ phạm tội phần lớn đã nghỉ học, bỏ học do nhiều lý do; trong đó, có lý do vì hoàn cảnh khó khăn. Ngành giáo dục thành phố đang nỗ lực triển khai các hoạt động để trường học không chỉ là nơi dạy và học mà còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động toàn diện để nâng cao kỹ năng cho các em. Các trường đang nỗ lực tạo ra sân chơi, môi trường thỏa mãn niềm đam mê của học sinh, sau đó định hướng tâm lý cho học sinh. Giáo dục kỹ năng sống, rèn luyện kỹ năng cho từng cá thể học sinh. Sự chung tay giữa nhà trường và cha mẹ học sinh cũng rất quan trọng. Phụ huynh học sinh phải phối hợp với nhà trường trên tinh thần phòng ngừa trước một cách chủ động.

Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng cho biết: Thời gian qua, các phòng nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh đã liên tục tham mưu Ban Giám đốc tập trung tuyên truyền ngay tại các trường học nhằm làm tốt công tác phòng ngừa phạm tội dưới 18 tuổi; rà soát danh sách học sinh bỏ học để thông báo cho công an địa phương có biện pháp giáo dục phù hợp. Hiện nay, nên dùng chính “công cụ mạng xã hội” để tạo ra các kết nối ảo nhưng tạo ra giá trị thật giữa gia đình và nhà trường, giữa các trường với sở giáo dục và đào tạo để công tác quản lý, giáo dục trẻ em đạt hiệu quả cao nhất. Ở góc độ gia đình, cha mẹ cần kiểm soát, kiểm duyệt những nội dung phim ảnh của con em mình vì các em thường có xu hướng làm theo các hình ảnh trên phim, mạng in-tơ-nét, nhất là các hành vi bạo lực…