Chia lửa nghề nơi tâm dịch

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở miền trung, nhiều đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường đi vào tâm dịch ở Đà Nẵng hỗ trợ công tác điều trị nơi đây. Là những nhân viên y tế tuyến đầu, họ sẵn sàng sát cánh với đồng nghiệp ở Đà Nẵng chiến đấu chống lại dịch bệnh nguy hiểm này…

 Đội phản ứng nhanh số 5 Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường làm nhiệm vụ tại Đà Nẵng.
Đội phản ứng nhanh số 5 Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường làm nhiệm vụ tại Đà Nẵng.

Chiều 4-8, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Đội phản ứng nhanh gồm Thạc sĩ Điều dưỡng Nguyễn Trần Đức (Khoa Thận nhân tạo) và Cử nhân điều dưỡng Lê Hữu Trạng (Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh) đã lên đường đến tâm dịch Đà Nẵng để nhận nhiệm vụ. Đây là đội phản ứng nhanh thứ 5 của Bệnh viện Chợ Rẫy được cử đi chi viện cho Bệnh viện Đà Nẵng từ khi đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát ở Việt Nam. 

Như những buổi “xuất trận” trước đây, các thầy thuốc công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy luôn thể hiện sự quyết tâm, không ngại khó khăn, nguy hiểm. Là điều dưỡng trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, điều dưỡng Nguyễn Trần Đức có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc những người bệnh chạy thận nhân tạo. Anh cho hay, nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 nặng hay tử vong ở Đà Nẵng đều có liên quan đến chạy thận nhân tạo. Bản thân anh cũng tìm hiểu các đồng nghiệp tại Đà Nẵng đang gặp những khó khăn, trở ngại nào trong quá trình chăm sóc người bệnh chạy thận nhân tạo nhiễm Covid-19 để phối hợp đề ra những giải pháp điều trị phù hợp nhất.

Trước đó một ngày, Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, Khoa Sinh hóa cùng các bác sĩ ở Khoa Vi sinh, Khoa Huyết học thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Đây là đội phản ứng nhanh thứ 4 về cận lâm sàng sẽ hỗ trợ cho Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trong công tác điều trị người bệnh nhiễm Covid-19 trong tình hình mới. 

Anh Lê Hữu Hoàng cho biết, luôn giữ tâm thế sẵn sàng đi đến các vùng dịch để hỗ trợ đồng nghiệp, chung sức chiến đấu với dịch bệnh. Khi được sự phân công của Ban Giám đốc bệnh viện, anh đã quyết tâm, cố gắng hết sức mình để hỗ trợ đồng nghiệp tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng về kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán, điều trị bệnh. Với sự động viên của gia đình, quyết tâm ấy của anh Lê Hữu Hoàng cũng như tất cả nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy càng mạnh mẽ hơn khi được cử đi chống dịch.

Bác sĩ CKII Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức nhiều đội phản ứng nhanh đến hỗ trợ cho các bệnh viện tại Đà Nẵng, Quảng Nam trong công tác điều trị người bệnh nhiễm Covid-19. Ngoài việc cùng các đồng nghiệp điều trị bệnh, nhiệm vụ của các đội phản ứng nhanh còn khảo sát tình hình trang thiết bị y tế tại vùng dịch để Bệnh viện Chợ Rẫy có thể bổ sung kịp thời… 

Việc Bệnh viện Chợ Rẫy cử nhiều đội phản ứng nhanh đến hỗ trợ điều trị Covid-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam cũng là giải pháp để bảo vệ cho chính bệnh viện này. Có khống chế được dịch bệnh tại một số tỉnh, thành phố miền trung, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng, thì Bệnh viện Chợ Rẫy mới hạn chế thấp nhất nguy cơ những ca nhiễm có thể xảy ra tại bệnh viện mình. Do đó, dù Bệnh viện Chợ Rẫy có nhiều khoa, nhiều trường hợp mắc bệnh nặng, nhưng lãnh đạo bệnh viện đã có phương án chủ động để vừa có thể “đưa quân” ra tâm dịch, vừa bảo đảm đầy đủ nhân lực để bệnh viện hoạt động bình thường. 

Tùy theo tình hình diễn biến của dịch mà Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ có thêm những đội phản ứng nhanh sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ nơi tâm dịch. Dù thế nào, những chiến sĩ áo trắng vẫn luôn nở nụ cười, luôn giữ tinh thần lạc quan, sự quyết tâm để dốc sức cùng cả nước dập tắt đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Với họ, đi vào tâm dịch là niềm tự hào, là sứ mệnh cao cả cho nên không gì có thể khiến họ chùn bước.
 
Trước lúc lên đường ra Đà Nẵng, anh Lê Hữu Hoàng, khoa Sinh hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy, tâm sự: “Chúng tôi đi làm nhiệm vụ chưa xác định thời gian là bao lâu. Có thể là một tháng hay nhiều hơn nữa, chỉ biết rằng chúng tôi phải dốc toàn lực để cùng đồng nghiệp làm tốt nhiệm vụ của mình, sớm chiến thắng dịch bệnh…”.