Cấp bách phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Nếu không có giải pháp tổng thể, nguy cơ dịch tả heo châu Phi (DTHCP) sẽ tiếp tục phát sinh và lây lan tại địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía nam là rất cao. Ðó là nhận định của các nhà chuyên môn vì khu vực này có mật độ chăn nuôi cao, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đã vào mùa mưa năm nay...

Nhân viên Thú y Trạm kiểm dịch động vật Thủ Ðức (quận Thủ Ðức) kiểm tra heo vận chuyển vào thành phố.
Nhân viên Thú y Trạm kiểm dịch động vật Thủ Ðức (quận Thủ Ðức) kiểm tra heo vận chuyển vào thành phố.

Khu vực Ðông Nam Bộ và Tây Nam Bộ hiện có gần 6,5 triệu con heo, chiếm 23% so với tổng đàn heo cả nước. Trong đó, tổng số heo chăn nuôi tập trung hơn 4,2 triệu con với 3.514 trang trại. Tính đến ngày 29-5, khu vực Ðông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đã có 30 xã của 17 huyện, chín tỉnh xảy ra DTHCP với tổng số heo bị dịch, buộc phải tiêu hủy hơn 4.840 con.

Bên cạnh những mặt làm được, các nhà chuyên môn cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn tồn tại một số hạn chế cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch ở khu vực Ðông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Theo đó, tình trạng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng nuôi heo xen lẫn trong khu dân cư vẫn phổ biến, gây khó khăn rất lớn cho công tác phòng, chống dịch. Các cơ sở chăn nuôi heo an toàn sinh học còn thấp so với tổng số trang trại chăn nuôi trong khu vực, chỉ chiếm 13,1%; còn số heo chỉ chiếm 18,5% tổng đàn. Hầu hết các chủ chăn nuôi chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch nên chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Một số hộ chăn nuôi vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt, khi phát hiện heo bị mắc và nghi bị DTHCP không khai báo với chính quyền địa phương và đơn vị thú y cơ sở để xác minh dịch mà tự ý điều trị, vứt xác heo ra môi trường…

Cùng với đó, việc chủ động giám sát phát hiện dịch và công bố dịch chưa kịp thời; chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin về dịch, nhất là chưa kiểm soát tốt việc giết mổ. Tình trạng giết mổ lậu vẫn diễn ra thường xuyên tại một số địa phương, trong đó có cả các cơ sở giết mổ lậu chuyên thu gom heo chết không rõ nguyên nhân và nguồn gốc…

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh, qua kiểm tra chưa phát hiện DTHCP trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với việc Ðồng Nai, Bình Phước, Bình Dương và sáu tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện DTHCP thì nguy cơ dịch xâm nhập thành phố là rất lớn. Hiện, thành phố là đầu mối tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước và có hơn 10 tỉnh cung cấp nguồn thịt heo vào thành phố. Trong đó, từ Ðồng Nai chiếm đến 47%, Bình Dương 19,03%, Bình Thuận 10,88%, Bà Rịa - Vũng Tàu 8,01%… Ðiều này khiến việc kiểm soát DTHCP càng khó khăn hơn.

Ðể ngăn ngừa DTHCP lây lan vào thành phố, ngoài các biện pháp đã triển khai, thành phố tăng cường thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Long Thành - TP Hồ Chí Minh, khu vực cầu Phú Cường (giáp ranh giữa huyện Củ Chi với tỉnh Bình Dương), tuyến quốc lộ 50 và tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (Tiền Giang)… để chốt chặn, kiểm tra việc vận chuyển heo sống và sản phẩm thịt heo vào thành phố. Thành phố cũng đang tăng cường phối hợp với các địa phương lân cận để chủ động trong công tác phòng, chống DTHCP.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, hiện vẫn có khoảng 10 nghìn con heo được tiêu thụ tại thành phố mỗi ngày, không giảm so với trước khi xảy ra dịch. Trong đó, thành phố tự cung ứng khoảng 20% số heo nuôi tại chỗ. Thành phố đã đưa ra ba kịch bản phòng, chống DTHCP và hiện đang triển khai tình huống thứ 2.

Trong bối cảnh DTHCP đang xảy ra và ảnh hưởng đến người chăn nuôi, thành phố đã có nhiều chương trình kích cầu, tuyên truyền người dân sử dụng thịt heo an toàn. Thành phố phối hợp với các tỉnh lân cận để kiểm soát thịt heo vào thành phố; kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng giết mổ lậu, địa phương nào để tình trạng giết mổ lậu xảy ra thì người đứng đầu địa phương đó chịu trách nhiệm. Thành phố thống nhất đường vận chuyển heo vào thành phố với các địa phương để chủ động kiểm soát dịch bệnh. Về nguồn hàng, thành phố đã chỉ đạo, phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp đưa ra các phương án bảo đảm nguồn hàng thịt heo sạch ổn định để cung cấp cho người tiêu dùng.

Để ngăn chặn và tiến đến dập tắt DTHCP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, cơ quan chuyên môn tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch, có các biện pháp và đưa ra các kịch bản tổng thể cho toàn khu vực. Ðặc biệt chú trọng giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, tăng cường tiêu độc, khử trùng thường xuyên và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, các hộ chăn nuôi hiểu rõ để phòng ngừa…