Cảnh báo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè "đen" lại

Mất gần 20 năm ròng rã (1993-2012), TP Hồ Chí Minh mới hoàn thành dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đây là công trình đáp ứng sự mong đợi của hàng triệu người dân thành phố khi đã biến dòng kênh ô nhiễm này thành một trong những điểm nhấn lớn về cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, hằng ngày, dòng kênh này lại đang đối mặt với các hành vi đánh bắt cá, xả rác bừa bãi, khiến không ít người ái ngại cho quá trình "trong xanh hóa" của nó...

Dù có lệnh cấm xả rác và câu cá nhưng nhiều người vẫn vi phạm.
Dù có lệnh cấm xả rác và câu cá nhưng nhiều người vẫn vi phạm.

"Cấm chứ đâu có phạt"

Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1) khi hoàn thành đã mang lại một hình ảnh hoàn toàn khác. Những hàng cây rợp bóng đã thay thế cho những ngôi nhà lụp xụp dọc hai bên bờ kênh trước đây. Hai bên bờ cũng đã chỉnh trang đường đi kết hợp lối đi bộ để người dân tập thể dục. Khi dòng nước đen ngầu đã bớt đi thì những đàn cá do thành phố thả xuống cũng bắt đầu tung tăng bơi lội.

Tuy nhiên, những đổi thay này chưa được bao lâu thì việc câu cá, vứt rác bừa bãi cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Tại tuyến kênh này, cứ khoảng 100m, chính quyền thành phố lại treo biển "Cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức". Thế nhưng, một số người dân vẫn thản nhiên câu cá, thậm chí còn dùng các loại câu chùm hay chích điện để tận diệt cá. Việc đánh bắt cá gần như diễn ra ở hầu hết các quận nơi tuyến kênh đi qua. Do việc can thiệp không hiệu quả cho nên hành vi đánh bắt cá diễn ra ngày càng nhiều, hàng chục người dân tập trung dọc hai bên bờ kênh với đủ loại cần câu, từ cần câu thủ công tay ngắn, dài, đến cần câu hiện đại như: máy xếp, hai khúc đến sáu khúc... Anh M. (ngụ quận 3) cho biết: "Cá này là cá thả cho nên có thể câu bằng nhiều loại mồi khác nhau". Khi được hỏi vì sao có biển cấm mà nhiều người vẫn câu, anh bình thản đáp: "Cấm vậy thôi chứ có bị phạt đâu".

Bên cạnh đánh bắt cá trái phép, việc xả rác tràn lan, thiếu ý thức của người dân cũng khiến nguồn nước ở kênh có nguy cơ bị ô nhiễm nặng nề trở lại. Ngay dưới chân cầu, đủ thứ rác kết thành từng mảng, bủa vây khắp mặt nước, khiến cho dòng nước ngưng tụ lại và bốc mùi hôi thối. Theo người dân chung quanh, ngoài ý thức của một số người dân chưa tốt, thì việc các quán nhậu mọc lên như nấm sau mưa khi hoàn thành dự án đã làm cho tuyến kênh này có nguy cơ bị ô nhiễm nặng nề trở lại. Minh chứng cho nhận định này là thời gian qua, người dân ở đây liên tục phát hiện tình trạng cá chết hàng loạt dưới kênh.

Chưa có cơ chế xử phạt

Theo Công ty TNHH Môi trường Đô thị thành phố, trung bình mỗi lần các công nhân vớt không dưới mười tấn rác, trong đó, chủ yếu là rác thải sinh hoạt. Mỗi năm, ngân sách thành phố cũng phải chi đến năm tỷ đồng để thực hiện công tác này. Phó Chủ tịch UBND quận 3 Trần Quang Bá cho biết, khi nhận thức của người dân chưa tốt thì việc tổ chức vớt rác sẽ vẫn phải thực hiện để bảo vệ môi trường trên kênh. Thời gian qua, các phường nằm dọc kênh đã thành lập các tổ tự quản nhằm phát hiện, nhắc nhở người dân, trong trường hợp nếu không chịu chấp hành thì sẽ đề xuất xử phạt.

Liên quan đến hành vi đánh bắt cá, đồng chí Bá cho rằng, hiện các cơ quan chức năng mới chỉ treo biển cấm chứ chưa có bất cứ biện pháp xử phạt hành chính nào, cho nên việc đánh bắt cá vẫn tiếp tục diễn ra. Việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền của chính quyền địa phương dường như đã trở nên "lờn thuốc", không có tác động nhiều đến ý thức của người dân. Thậm chí, đã có trường hợp không chịu hợp tác, gây khó khăn cho người thi hành nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, UBND quận 3 sẽ phối hợp với các quận có kênh đi qua tổ chức phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở những người vi phạm. Để công tác xử lý hiệu quả hơn, thành phố cũng tiến hành xin chế tài xử phạt mạnh tay đối với các đối tượng câu cá sai quy định. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, mục đích của việc thả cá nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên dòng kênh. Tuy nhiên, chính những hành vi thiếu ý thức của người dân đã làm cho môi trường nước bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Để sớm chấn chỉnh thực trạng này, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp thiết thực và mạnh tay hơn nữa thay vì chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền mang tính hình thức và thiếu hiệu quả như hiện nay.

Thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, mỗi người dân thành phố cần chung tay gìn giữ dòng kênh này ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Năm 1993, Sở Giao thông vận tải thành phố triển khai dự án Cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thịị Nghè. Để hoàn thành dự án, hơn 7.000 hộ gia đình (thuộc bảy quận: 1, 3, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình và Gòò Vấp) đã phải di dời để phục vụ dự án. Tổng số vốn thực hiện dự án là hơn 8.600 tỷ đồng (trong đó, vốn vay WB khoảng 5.252 tỷ đồng, còòn lại vốn đối ứng ngân sách thành phố).