Cần xử lý nghiêm hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi

Thời gian gần đây, hoạt động cho vay nặng lãi tại TP Hồ Chí Minh ngày càng diễn biến phức tạp. Khi người vay không có tiền để trả đúng hạn, các đối tượng cho vay sẵn sàng khủng bố tinh thần, đe dọa, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản, hành hung con nợ...

Lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh tăng cường hoạt động trấn áp các loại tội phạm, trong đó có nội dung đấu tranh với tín dụng đen.
Lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh tăng cường hoạt động trấn áp các loại tội phạm, trong đó có nội dung đấu tranh với tín dụng đen.

Vào tháng 11-2017, do làm ăn thua lỗ, chị P. vào trang mạng có tên "Tài chính cho vay" để vay số tiền 500 triệu đồng. Khoản vay này sẽ được thanh toán theo hình thức "trả góp", chị P. phải chịu "phí dịch vụ" là 20% và trả trước hai ngày tiền lãi. Ðể hợp thức hóa việc cho vay nặng lãi thành "giao dịch dân sự", các đối tượng hướng dẫn chị P. làm hợp đồng mua xe trả góp, hợp đồng này do bọn chúng nắm giữ.

Theo cơ quan điều tra, tính từ thời điểm vay tiền cho đến tháng 7-2018, số tiền mà chị P. trả góp đã vượt hơn 5 tỷ đồng nhưng vẫn chưa hết nợ. Ðường cùng, để có tiền trả nợ, chị P. đành nhắm mắt vay mượn thêm tiền của hai băng nhóm khác cũng với lãi suất và chiêu thức như trên. Mỗi khi không có tiền trả kịp hạn, các đối tượng này cho đàn em kéo đến xưởng sản xuất của chị P. đe dọa, truy bức, khủng bố tinh thần. Chúng liên tục hăm dọa chị P. và đòi giết hết cả nhà chị nếu như không chịu trả tiền đúng hẹn. Manh động hơn, các đối tượng này còn mang mã tấu và kim tiêm (có bơm sẵn máu) đến nhà đòi giết chồng chị P... Rất may vụ án được Công an quận Tân Phú triệt phá kịp thời. Trong vụ án này, công an thành phố đã triệt phá ba băng nhóm cho vay nặng lãi liên minh với nhau, bắt giữ 11 đối tượng là dân giang hồ cộm cán.

Cũng đi vay nặng lãi, một phụ nữ tại đường Nguyễn Ðình Chiểu (phường 2, quận 3) phải nhận một kết quả rất đau lòng. Do khó khăn về tài chính, bà O. liên lạc với một nhóm tín dụng đen đặt vấn đề vay tiền. Với nhiều lời hứa ngon ngọt rằng lãi suất thấp và giãn thời gian trả tiền để không gây căng thẳng tài chính, bà O. quyết định vay một khoản tiền. Thời gian đầu, việc trả góp diễn ra bình thường. Tuy nhiên, thời gian sau, do bà O. không có khả năng chi trả, cho nên nhóm tín dụng đen ban đầu thì nhắn tin, sau đó tìm đến tận nhà gây áp lực đòi nợ. Chiều tối 8-11, khi nhóm tín dụng đen đến nhà bà gây áp lực và đe dọa, con trai của bà O. là anh Võ Thanh Quân (29 tuổi) đã ra nói chuyện, từ đó dẫn đến cự cãi và xô xát với nhóm tín dụng đen này. Anh Quân đã bị nhóm giang hồ dùng hung khí tiến công, đâm gục tại chỗ và chết ngay trong đêm. Sau khi gây án, nhóm giang hồ tín dụng đen đã bỏ trốn. Ðây là vụ việc mới nhất xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy mức độ nguy hiểm của các băng nhóm tín dụng đen hoạt động tại thành phố…

Số liệu từ Công an TP Hồ Chí Minh cho thấy, 10 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 4.000 vụ phạm pháp hình sự. Lực lượng công an đã phát hiện hơn 3.000 vụ, bắt giữ gần 3.500 đối tượng. Tuy nhiên, tình hình tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên địa bàn thành phố lại có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Bình quân một tháng trên địa bàn thành phố xảy ra khoảng bốn vụ phạm pháp hình sự liên quan tín dụng đen. Nhẹ nhất là xâm phạm về chỗ ở, nặng hơn là cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, nặng nhất là giết người. Từ đầu năm đến nay, có ba vụ giết người mà nguyên nhân là thu hồi nợ không được. Lực lượng công an đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 60 nhóm với hơn 320 đối tượng vi phạm. Hiện nay, các đơn vị công an đã khoanh vùng 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và vi phạm lãi suất, trong đó, không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã...

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, vướng mắc trong việc đấu tranh với tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi là các quy định của pháp luật. Trước năm 2018, theo Bộ luật Hình sự cũ, gần như không có vụ cho vay nặng lãi nào có thể khởi tố được, vì luật quy định tình tiết luận tội phải có tính chất bóc lột, chuyên nghiệp và hàng loạt ràng buộc khác. Theo Bộ luật Hình sự mới, quy định lãi suất khoảng 8,33%/tháng bị xem là có vi phạm và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì hình phạt là cải tạo không giam giữ. Thu lợi bất chính đến 100 triệu đồng thì hình phạt cao nhất là ba năm tù nhưng không được tạm giam. Chế tài nhẹ, vì vậy rất khó để răn đe các đối tượng.

Tội cho vay nặng lãi hiện nằm trong nhóm tội vi phạm tài chính của ngân hàng chứ không phải tội hình sự. Hiện nay, trong toàn bộ hệ thống luật hành chính, không có vi phạm về cho vay vượt lãi suất quy định. Về hướng giải quyết, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, một số nghị định đang được lấy ý kiến sửa đổi. Nếu sửa đồng bộ và có hệ thống thì sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm này một cách căn cơ.

Trong khi chờ luật sửa đổi, lực lượng công an thành phố phải giải quyết bằng các giải pháp như trong kế hoạch cao điểm phòng, chống tội phạm có nội dung đấu tranh với tín dụng đen. Công an TP Hồ Chí Minh cũng có đề án tăng cường chất lượng hoạt động của công an phường, xã, trong đó có nội dung quản lý chặt nhân khẩu, sớm phát hiện các đối tượng có vấn đề trên địa bàn. Ðồng thời khuyến cáo người dân nên thận trọng và tránh xa các hình thức cho vay nặng lãi. Người dân cần hiểu rõ chiêu trò gài bẫy của một số đối tượng cho vay nặng lãi hay tổ chức tín dụng đen để đề phòng. Nếu bị đe dọa, khủng bố, cần đề nghị công an can thiệp để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra...