Cẩn trọng phòng bệnh khi thời tiết thất thường

Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19, người dân TP Hồ Chí Minh cũng không lơ là phòng, chống các loại dịch bệnh khi thời tiết thất thường, nhất là thời điểm nắng nóng ban ngày, thường xuất hiện những cơn mưa vào buổi chiều tối, khiến người già, trẻ nhỏ dễ mắc bệnh…

Đưa trẻ đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Đưa trẻ đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Từ đầu hè đến nay, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố có nhiều trường hợp trẻ nhập viện liên quan đến thời tiết. Chị Lê Thị Hòa (quận Bình Tân), chờ khám cho con gái bảy tuổi, cho biết, bé bị ho, sốt, môi tróc vảy từng mảng, lưng có nhiều mụn đỏ, khiến bé ngứa, khó chịu. “Lúc giờ sợ dịch Covid-19, tôi chỉ cho con ở nhà, nay mới đi học lại vài hôm thì con ho, sốt cho nên tôi rất lo lắng. Khi thăm khám, bác sĩ cho hay bé chỉ bị viêm hô hấp dưới, lưng bị sảy cần uống thuốc và tái khám theo hướng dẫn”, chị Hòa cho biết thêm.

Tại BV Nhi đồng 1, các bác sĩ, điều dưỡng luôn bận rộn thăm khám, chăm sóc các bệnh nhi. Những ngày này, phụ huynh liên tục đưa con đến khám bệnh, chủ yếu là các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa và da.

Còn tại BV Thống Nhất, người lớn tuổi chờ khám khá đông. Mệt mỏi chờ tới lượt, bà Cao Thị Thu (65 tuổi) có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp, rối loạn tiền đình than thở: “Thời tiết thất thường, tôi tuổi cao, rất khó chịu trong người. Mấy ngày qua tôi bị cảm cúm, ho, mệt mỏi, khó thở, ăn uống không cảm thấy ngon”…

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 cho biết, thời tiết thay đổi thất thường, lúc nóng hầm hập, lúc mưa ào ào dễ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, truyền nhiễm ở trẻ. Nắng nóng kèm độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho nấm mốc, vi khuẩn phát triển khiến thức ăn dễ ôi thiu, trẻ rất dễ bị ngộ độc, tiêu chảy cấp khi ăn phải những loại thức ăn này. Hơn nữa, những ngày nắng nóng làm hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động yếu đi, ít hấp thu cũng như ít bài tiết khiến trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, mệt mỏi... Chưa kể, hệ hô hấp của trẻ trở nên yếu do niêm mạc mất nước; họng, mũi khô vì ngồi nhiều dưới quạt hoặc máy lạnh.

“Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ, người lớn cần mang sẵn áo mưa khi ra đường để kịp che mưa cho trẻ lúc gặp mưa bất chợt. Khi về nhà phải lau khô người và mặc ấm ngay. Còn lúc trời nắng nóng thì cần sử dụng máy quạt, máy lạnh đúng cách, không để gió thổi trực tiếp vào mặt trẻ mà cần để ở khoảng cách vừa phải. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, nhất là trái cây để tăng sức đề kháng; uống nhiều nước để niêm mạc đường thở có đủ độ ẩm cần thiết, chống sự xâm nhập của những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài”, bác sĩ Khanh lưu ý.

Theo các chuyên gia y tế, các bệnh hô hấp thường gặp nhất trong thời điểm này là cảm lạnh, cúm, viêm mũi, viêm họng, viêm phổi và những bệnh mạn tính như hen phế quản, giãn phế quản cũng dễ tái phát, có nguy cơ đe dọa sức khỏe của nhiều người, nhất là những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… Ngoài ra, người lớn và trẻ em đều dễ mắc các bệnh về da vào mùa này. Trẻ em thường mắc bệnh rôm, sẩy (trẻ nhỏ), viêm da dị ứng gây ngứa, chàm (eczema)... Còn đối với người lớn, đặc biệt là những người thường xuyên làm việc dưới môi trường nắng nóng với chỉ số tia UV cao, có thể gây một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể...

Trưởng Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng Thành phố, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trần Nam cho biết, vào mùa hè, thành phố thường có những cơn mưa đầu mùa, độ ẩm tăng nhanh, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột này cũng khiến trẻ dễ mắc các bệnh liên quan đến phổi. Côn trùng mùa này sinh sôi, là nguyên nhân làm phát sinh các bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản. Cần giữ nhà cửa thông thoáng, rửa tay thường xuyên. Đặc biệt, dịch Covid-19 vẫn còn nhiều nguy cơ, nên chúng ta không được chủ quan, phải chú ý “phòng bệnh hơn chữa bệnh”...

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, để phòng, chống các bệnh trong thời điểm giao mùa, người dân nên đưa trẻ tiêm vắc-xin. Vệ sinh cá nhân thường xuyên, nhất là rửa tay; vệ sinh môi trường sống chung quanh, xử lý các vật dụng, nơi có thể đọng nước, không để muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết có điều kiện phát triển.

Không nên để xảy ra hiện tượng nóng, lạnh đột ngột, nhất là ở người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính. Nên để nhiệt độ máy lạnh khoảng từ 25 - 27 oC và không nên cho luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào người. Thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm như: Ăn chín, uống chín, lựa chọn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc. Không nên lạm dụng nước lạnh, nước đá. Cần uống đủ lượng nước hằng ngày…