Cẩn trọng khi đánh giá, phân loại công chức

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quy định đánh giá, phân loại cán bộ hằng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là công chức)… để làm cơ sở tăng thêm thu nhập.

Đánh giá, phân loại công chức cần tránh "tính chất bình quân".
Đánh giá, phân loại công chức cần tránh "tính chất bình quân".

Kết quả đánh giá, phân loại là căn cứ để tăng thu nhập hằng quý đối với công chức. Đây cũng là căn cứ để đánh giá, phân loại thi đua và là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với công chức.

Quy định của UBND thành phố đưa ra ba nhóm tiêu chí để đánh giá, phân loại, gồm: ý thức tổ chức, kỷ luật, phẩm chất đạo đức (tối đa 20 điểm); năng lực, kỹ năng (tối đa 30 điểm) và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tối đa 50 điểm). Như vậy, nhóm tiêu chí về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được chú trọng. Trong đó, công chức hoàn thành từ 90% đến 100% công việc bảo đảm tiến độ, đạt chất lượng mới được điểm tối đa của nhóm tiêu chí này (là 50 điểm); trường hợp hoàn thành dưới 50% sẽ bị 0 điểm. Căn cứ kết quả chấm điểm, sẽ phân loại công chức theo bốn nhóm, gồm: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (từ 80 đến 100 điểm); hoàn thành tốt nhiệm vụ (từ 65 đến dưới 80 điểm); hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (từ 50 đến dưới 65 điểm) và không hoàn thành nhiệm vụ (dưới 50 điểm). Công chức bị kỷ luật trong quý sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Công chức nghỉ từ 22 ngày làm việc trở lên trong quý (vì ốm đau, nghỉ phép…) thì mức xếp loại của quý đó tối đa là hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực. Trường hợp đặc biệt do lãnh đạo có thẩm quyền đánh giá quyết định.

UBND thành phố yêu cầu việc đánh giá, xếp loại hằng quý phải chính xác, khách quan; không mang tính hình thức, nể nang, trù dập, thiên vị và lượng hóa được kết quả thực hiện nhiệm vụ. Căn cứ kết quả đánh giá, phân loại nêu trên, thành phố sẽ chi thu nhập tăng thêm đối với công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Trong đó, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được hưởng hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa theo Nghị quyết 03/2018 (năm 2018 tăng tối đa 0,6 lần; năm 2019 tăng tối đa 1,2 lần và năm 2020 tăng tối đa 1,8 lần). Công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được hưởng hệ số điều chỉnh tăng thu nhập theo mức tối đa là 80% của trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kinh phí để thực hiện tăng thu nhập cho công chức gồm hơn 140 nghìn người trong năm 2018 là hơn 2.340 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan đang đánh giá công chức theo biểu mẫu chung vào cuối năm, cho nên, thường những việc công chức làm đầu năm không được nhớ mà những việc làm cuối năm sẽ đại diện cho việc đánh giá. Quá trình đánh giá cũng bất cập ở chỗ cuối cùng hầu hết công chức đều “hoàn thành công việc” và “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Do đó, muốn đề cử cho người làm tích cực, nhiệt huyết không dễ, mà muốn tinh giản những người không làm được việc, không tích cực cũng khó. Cũng có ý kiến đề nghị xây dựng mẫu đánh giá theo từng tháng với những tiêu chí cụ thể và các lãnh đạo sẽ đánh giá trực tiếp. Theo đó, các lãnh đạo trực tiếp từ trưởng phòng đến phó trưởng phòng đánh giá cán bộ và lãnh đạo đơn vị đánh giá trưởng phòng, phó trưởng phòng hằng tháng.

Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho công chức, tổ chức vào đầu tháng 3-2018, PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, áp lực về vấn đề công chức của thành phố rất lớn, điều đáng băn khoăn là làm sao để việc chi thu nhập tăng thêm đạt hiệu quả, tránh được sự cào bằng. Hiện nay, việc đánh giá công chức rất phức tạp, dễ xuất hiện vấn đề tâm tư. Vì thế, phải tổ chức đánh giá làm sao để nội bộ không mất đoàn kết, có thể đi kèm đề án này cần có thêm một đề án đánh giá cán bộ. Để tránh cào bằng, PGS, TS Trần Hoàng Ngân đề xuất, mỗi đơn vị cần xây dựng tiêu chí và định lượng để hạn chế khâu bình bầu cảm tính, dẫn đến… tâm tư. Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Châu Minh Tỷ, cũng lo ngại cách đánh giá công chức mang “tính bình quân”, người giỏi cũng như người yếu và cho rằng phải cá thể hóa công chức, vì đơn vị yếu kém vẫn có công chức làm việc hiệu quả; đơn vị hoàn thành công việc tốt nhưng vẫn có công chức yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ. Để làm được điều này, có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đánh giá công chức, làm sao để tạo sự công bằng.

Theo UBND thành phố, việc đánh giá, phân loại theo quy định mới nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ công chức thành phố. Đồng thời tạo môi trường sáng tạo, đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.